From Japanese Mom – Tiết lộ những cách dạy Trẻ về tiền bạc từ sớm
Khi gặp trường hợp bé vòi vĩnh: “Mẹ ơi, mua kẹo cho con đi”, “Mẹ mua đồ chơi cho con đi”, thường các Mẹ sẽ phản ứng như thế nào nhỉ?
“Có cái kẹo thôi mà, hay mua cho con đi”; “Nếu yêu cầu nào của con mình cũng thực hiện thì con có hay đòi hỏi không nhỉ”; “Hay thôi phải cho con biết kiềm chế khi muốn mua thứ gì đó chứ nhỉ”… Có lẽ Mẹ cũng rất phân vân khi đưa ra quyết định khi con đòi mua đồ phải không nào? Vậy làm thế nào để con hiểu và trân trọng giá trị của đồng tiền đây?
Hôm nay, Hajimarimom sẽ giới thiệu về chủ đề:
“Dạy con về tiền bạc – áp dụng cho giai đoạn mẫu giáo và tiểu học” nhé.
Giai đoạn 1: Chơi trò mua bán
Cách làm: Mẹ dán nhãn giá trên các đồ chơi, đồ dùng học tập của bé. Mẹ và bé vào vai người bán hàng và người mua hàng để bắt đầu chơi ( nên đổi vai cho nhau thường xuyên).
Qua trò chơi này bé sẽ dần nhớ được việc phải chi trả 1 số tiền nhất định cho 1 món đồ nào đó, và việc trả lại tiền thối sau khi mua hàng cũng giúp bé học được mệnh giá tiền, cộng trừ đơn giản.
Ở Nhật thì ở các cửa hàng như Daiso còn bán những đồng tiền đồ chơi dành cho bé, nếu có điều kiện thì Mẹ có thể mua để chơi cùng con, con sẽ rất thích thú đấy.
Giai đoạn 2: Tạo tình huống để dạy trẻ về tiền bạc khi mua sắm thực tế
Khi bé đã quen với trò chơi mua sắm rồi, tiếp theo Mẹ nên dẫn bé đến những nơi như siêu thị, chợ, trung tâm mua sắm để cùng “thực hành” nhé.
Mẹ có thể hỏi bé: Hôm nay con muốn mua kẹo gì nào? Ôi cà chua mắc nhỉ, hay mình thay thế bằng dưa leo đi nhỉ? Thông qua cuộc hội thoại như vậy, dần dần bé sẽ nhận ra được sự khác nhau của: món đồ mình muốn, món đồ cần thiết, món đồ có thể mua. Lặp đi lặp lại những cuộc nói chuyện như vậy, dần dần trẻ sẽ có ý thức về tiền bạc.
Giai đoạn 3 : Tạo ra trải nghiệm kiếm tiền thực tế
Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng tiền, trẻ nên được trải nghiệm để biết rằng: tiền có được là do lao động mà ra, như vậy phải quý trọng tiền bạc, quý trọng sức lao động.
Mẹ có thể tạo ra các cơ hội để trẻ trải nghiệm được việc kiếm tiền thông qua làm việc nhà, các công việc hỗ trợ cho gia đình.
Ví dụ: Nếu trẻ còn ở cấp tiểu học, Mẹ có thể trả tiền khi bé giúp Mẹ làm 1 số việc nhà đơn giản như:
+ Lau chùi nhà WC 1 lần : 10 ngàn
+ Giặt dày dép: 10 ngàn
+ Giặt quần áo – phơi quần áo: 15 ngàn
Những khoản thù lao thì Mẹ và bé có thể cùng nói chuyện với nhau rồi quyết định cũng được, như vậy cũng giúp bé phát triển về khoản thương lương tiền bạc.
Việc dạy trẻ nhỏ hiểu được tầm quan trọng của tiền và sử dụng tiền đúng cách là vô cùng quan trọng. Bởi khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ gặp nhiều tình huống mà tự bản thân trẻ phải xử lý, và chuyện sử dụng tiền cũng không ngoại lệ. Trẻ biết quý trọng sức lao động, quý trọng tiền bạc sẽ luôn có những hành động tiết chế khi dùng tiền để sao cho đúng cách và không lãng phí.
Vậy, Mẹ hãy thử bắt đầu cùng trẻ chơi trò bán hàng để làm quen với tiền trước nhé. Hy vọng Mẹ và bé sẽ có nhiều khoảnh khắc thật vui thông qua trò chơi này!