Mama Interview – Người mẹ cầu toàn, bị hiểu lầm là bác sĩ vì có thể hiểu được bản siêu âm hay đọc vanh vách các kết quả xét nghiệm trong thai kì
“Từng bị hiểu lầm là bác sĩ vì có thể hiểu được bản siêu âm hay đọc vanh vách các kết quả xét nghiệm trong thai kì” – Đó là chia sẻ của chị Phạm Hồng Băng Trinh sinh năm 1993, là mẹ của 2 em bé sinh đôi – Chiêu Anh và Đan Anh (11 tháng tuổi). Hiện là đang Quản Lý Nhân Sự & Đào Tạo cho 1 tập đoàn đa ngành nghề. Chị Trinh vốn là một người vô cùng cầu toàn và luôn cống hiến hết mình cho công việc.
Đi đôi với niềm hạnh phúc khi mang song thai là nỗi lo lắng gấp bội vì những vấn đề trong thai kì cũng có khả năng xảy ra nhiều hơn, nên để có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe của hai em bé, dù mỗi ngày vẫn bộn bề với công việc ở công ty, chị vẫn sắp xếp thời gian để đọc sách, tự nghiên cứu, xem video cũng như các luận văn liên quan đến kiến thức y khoa về song thai đến nỗi có thể đọc được cả những bản siêu âm, hay các chỉ số xét nghiệm máu của mẹ bầu, và có thể vanh vách “đàm đạo” chuyên môn cùng các bác sĩ. Nhưng khi bắt đầu hành trình làm mẹ của 2 em bé đã khiến chị thay đổi rất nhiều về quan niệm “mọi thứ phải hoàn hảo” của mình. Hãy cùng Hajimari Mom đến với cuộc trò chuyện vô cùng thú vị cùng chị Băng Trinh ngày hôm nay nhé !!!
Chào chị Trinh, cảm ơn chị đã dành thời gian đến với cuộc trò chuyện của Hajimari Mom ngày hôm nay, chị có thể kể về quá trình mang thai của mình không ? Chị có còn nhớ ngày đầu tiên khi phát hiện mình có em bé ???
Cảm ơn Hajimari Mom, rất vui được đến với buổi trò chuyện ngày hôm nay cùng các bạn. Hai em bé đến với vợ chồng Trinh cũng khá bất ngờ vì vừa bỏ kế hoạch thì vừa đúng lúc Trinh cấn thai. Có một câu chuyện mà đến giờ Trinh vẫn cảm thấy rất kì diệu, đó là khi phát hiện mình có thai thì vào đêm trước khi đi siêu âm, Trinh đã nằm mơ thấy mình sinh ra 2 em bé, cứ tưởng đó chỉ là một câu chuyện vui để kể cho ông xã nghe. Vậy mà ngay sáng hôm sau, khi đi siêu âm thì bác sĩ khẳng định Trinh mang thai đôi. Cảm giác hạnh phúc bất ngờ như vỡ òa, nhưng vốn dĩ là một người khá lý trí, niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì nỗi lo lắng về các vấn đề của thai đôi chợt khiến Trinh bừng tỉnh.
Và chính vì nỗi lo đó đã thúc đẩy Trinh dành tất cả khoảng thời gian buổi tối sau khi trở về từ công ty để nghiên cứu các tài liệu y khoa liên quan đến song thai. Cứ nghiên cứu, đọc sách, xem video chuyên ngành, Trinh dần dần đọc được các chỉ số, các bảng siêu âm cũng như những kiến thức về khả năng có thể xảy ra đối với thai đôi. Nó giúp Trinh có thể dễ dàng trao đổi với bác sĩ hơn về trình trạng thực tế của mình trong giai đoạn đó. Có nhiều lần bác sĩ còn lầm tưởng Trinh là người “trong ngành”. Có thể đối với nhiều người, đó là những kiến thức khô khan, không cần thiết nhưng do từ nhỏ Trinh vốn là người thích tự học những điều xung quanh theo cách của mình nên thật sự đến bây giờ nghĩ lại khoảng thời gian tự nghiên cứu đó thật sự rất thú vị !!!
Ngoài ra, do vị trí trong công ty của Trinh cũng khá quan trọng, lại vốn là một người nghiện việc, cầu toàn, nên dù mang thai thì Trinh vẫn đi làm đều đặn và cố gắng để công việc không bị ảnh hưởng bởi chuyện riêng của bản thân. Và cũng rất may mắn có lẽ hai bé trong bụng cũng “không muốn làm phiền” mẹ nên dù là thai đôi, thai kì luôn được cho rằng là dễ có khả năng xảy ra nhiều vấn đề hẳn thai đơn, nhưng Trinh đã trải qua một hành trình thai kì không thể suôn sẻ hơn nữa. Thậm chí, Trinh không ốm nghén, mọi sinh hoạt bình thường, vậy nên Trinh đã suôn sẻ đi làm cho đến tận 1 tuần trước khi sinh.
Vậy ngày đi sinh thì sao ? Nó có diễn ra giống như trong kế hoạch của chị Trinh không ?
Trinh vẫn còn nhớ ngày đi sinh của mình cũng khá là mắc cười vì nó hoàn toàn không hề theo kế hoạch mà sớm tận 5 tuần so với ngày dự sinh. Hôm đó, vợ chồng mình đang ngủ thì Trinh bị giật mình dậy vào lúc 5h00 sáng bởi nghe một tiếng bụp trong bụng. Trinh choàng tỉnh và đi vào nhà vệ sinh thì nước ối tuôn ra xối xả. Trinh hơi bất ngờ nhưng do đã có tìm hiểu trước đó nên vẫn rất bình tĩnh. Trinh ra gọi chồng dậy để chuẩn bị hành lý lên đường đi sinh. Dù chồng khá “hoảng” do vẫn còn tâm lý là 5 tuần nữa vợ mới sinh nhưng Trinh thì ngược lại, vẫn kịp sắp xếp mọi chuyện trong nhà, rồi tắm rửa, gội đầu, make up nhẹ trước khi lên đường.
Trinh đã chọn dịch vụ mổ gia đình nên sau khi đến bệnh viên thăm khám, hai vợ chồng cùng được vô phòng mổ. Có chồng bên cạnh nên Trinh cũng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Và Chiêu Anh – Đan Anh đã được bác sĩ lấy ra vào lúc 11h52 và 11h53 phút. Khoảnh khắc hạnh phúc khi được gặp mặt hai con lần đầu đó có lẽ suốt cuộc đời này Trinh không quên được !!!
Hành trình làm mẹ của một một người đam mê công việc sẽ như thế nào ? Chị Trinh có cảm thấy mình đã thay đổi gì sau khi làm mẹ không?
Trinh được nghỉ thai sản 7 tháng do thai đôi nên Trinh đã quyết định tập trung tất cả thời gian chăm sóc 2 bé trong giai đoạn đó. Vẫn đam mê với công việc, nhưng ở mỗi thời điểm, Trinh nghĩ thứ tự về sự ưu tiên sẽ thay đổi, nên cho đến bây giờ, Trinh vẫn luôn tìm mọi cách để cân bằng cả hai.
Về sự thay đổi thì rõ ràng nhất là Trinh hạnh phúc hơn rất nhiều sau khi được làm mẹ. Đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Trinh đã học được tính nhẫn nại khi chăm sóc con, kiên trì hiểu được ngôn ngữ của con, học được cách yêu thương bản thân và những người xung quanh nhiều hơn. Đặc biệt là biết cách chấp nhận những điều không hoàn hảo trong cuộc sống.
Trước đây, Trinh rất dễ bị khó chịu vì những điều thiếu hoàn hảo dù là nhỏ xíu không chỉ trong công việc mà còn trong việc chăm sóc nhà cửa. Nếu như trước đây, khi nhìn những đồ vật không được để đúng chỗ Trinh sẽ ngay lập tức cảm thấy khó chịu, thì bây giờ Trinh lại suy nghĩ nhà cửa có lúc lộn xộn một chút cũng không sao, quan trọng là mọi người trong nhà cảm thấy vui vẻ với nhau là được.
Hiện tại, hai bé đã 11 tháng vậy chị Trinh cũng đã trở lại công việc ? Chị đã làm gì để có thể cân bằng được công việc ngoài xã hội và việc chăm sóc hai bé ? Có ai phụ giúp chị trong quá trình chăm con không ?
Kể từ tháng cuối của thai kì, mẹ chồng đã dọn lên thành phố để có thể chăm sóc 2 vợ chồng và bây giờ là cháu. Trinh cảm thấy mình cực kì may mắn vì có một người mẹ chồng vô cùng thương yêu con dâu và luôn là hậu phương vững chắc để Trinh có thể yên tâm quay lại công việc khi hai bé được 7 tháng tuổi.
Qũy thời gian của mỗi người là có giới hạn. Nếu như trước khi làm mẹ, Trinh có 24 giờ chỉ để làm vợ và làm một người nhân viên công ty, thì sau khi làm mẹ cũng chỉ với 24 giờ đó Trinh phải làm vô số những việc khác. Do vậy mà từ khi quyết định quay lại với công việc, Trinh đã tìm cách để giảm bớt thời gian lãng phí cũng như tăng gia tăng thời gian có thể sử dụng được. Ví dụ như trước đây có thể dành 1 tiếng, 2 tiếng để xem phim, lướt Facebook, thì hiện tại khoảng thời gian đó đã bị cắt giảm hoàn toàn. Hay thay vì đọc sách mỗi ngày, Trinh chuyển qua nghe sách nói và podcast trong thời gian di chuyển.
Ngoài ra, Trinh cũng thuê thêm cô giúp việc để có thể gia tăng thời gian cá nhân, thay vì phải nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa thì mình có thể dành thời gian thật sự chất lượng bên cạnh con, như cùng con chơi các trò chơi trí tuệ, hay đọc sách cho con nghe…
Thêm vào đó, Trinh cũng phân định rõ ràng về khung thời gian cho việc công ty và việc chăm sóc con cái. Chẳng hạn như: từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều là thời gian dành cho công việc. Thì trong khoảng thời gian này, Trinh sẽ tập trung toàn bộ công sức của mình để giải quyết những công việc tại công ty. Tuyệt đối không vừa làm việc vừa nghĩ vẩn vơ đến con hay xem camera ở nhà …. Do áp lực phải giải quyết công việc trong thời gian cố định nên Trinh cũng có động lực nhiều hơn để có thể làm sao hoàn thành công việc một cách gọn gàng nhất có thể. Ngược lại, từ 6 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau, là khoảng thời gian dành cho con và gia đình. Trong khoảng thời gian này, thì Trinh sẽ tuyệt đối không suy nghĩ về công việc, hay lấy điện thoại trả lời email,… mà tập trung hoàn toàn cho con, cùng con trải qua khoảng thời gian chất lượng.
Đối với những công việc cố định hàng ngày, Trinh cũng tự lập ra một qui trình nhất định, việc a rồi đến việc b, việc c… Có như vậy thì mỗi ngày mình sẽ mặc nhiên làm theo quy trình đó mà không tốn thời gian phải suy nghĩ xem mình phải làm gì trước hay sau, vì đối với Trinh, phải vẩn vơ suy nghĩ những chuyện nhỏ nhặt như vậy là một sự lãng phí về thời gian không cần thiết.
Chị Trinh có thể chia sẻ đôi lời về cuộc sống hôn nhân của vợ chồng chị không ?
Trinh và ông xã quen nhau trong môi trường công việc. Quen nhau 5 năm trước khi kết hôn nên gần như là hiểu cũng khá rõ về nhau cũng như quan niệm sống khá tương đồng, có lẽ vì vậy mà cuộc sống hôn nhân cũng không có gì quá khó khăn. Trinh nghĩ cả hai đều tôn trọng và hiểu cho nhau một chút thì mọi chuyện đều sẽ ổn thỏa. Ông xã Trinh là một người luôn hướng về gia đình, chu đáo và thương yêu vợ con. Hiện tại, do tính chất công việc nên ảnh cũng làm việc ở nhà khá nhiều, vậy nên 2 con ở nhà, vừa có bà nội, vừa có cha, vừa có người giúp việc nên Trinh cực kì yên tâm khi ra ngoài làm việc.
Vậy quan điểm nuôi con của chị Trinh là gì ? Đối với chị điều gì là quan trọng nhất trong quá trình nuôi con ? Chị có áp dụng phương pháp cụ thể gì với hai bé không ?
Cho đến thời điểm hiện tại Trinh tập trung vào việc nuôi con khoa học, cũng như sử dụng các công cụ, đồ chơi Montessori phát triển xúc giác, nghe nhìn… cho bé. Và từ khi còn bé, Trinh có sử dụng phương pháp Glenn Doman để kích thích thị giác và não phải cho con. Trinh thấy bé đáp ứng khá tốt và bé cũng khá thích thú.
Ngoài ra, hằng ngày Trinh và người thân trong gia đình còn dành nhiều thời gian chơi đùa, trò chuyện với bé, cho ra ngoài đi dạo… Đặc biệt, Trinh không cho bé tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá lớn, tiết chế tối đa khoảng thời gian coi tivi. Những khi muốn tạo không khí vui nhộn cho con, Trinh sẽ chỉ bật loa và tắt màn hình tivi để bé tương tác với nhạc. Thêm nữa là, Trinh luôn có một khoảng thời gian cố định mỗi tối cùng con đọc sách Ehon trước khi con chìm vào giấc ngủ. Trinh và ông xã đặc biệt chú ý đến việc cho bé khám phá thế giới xung quanh ở giai đoạn này.
Trinh cho rằng, bố mẹ và gia đình, những người tiếp xúc trẻ là tấm gương quan trọng nhất để con bắt chước, học theo. Cho nên các thành viên trong gia đình phải luôn mang trong mình tâm thế tích cực, cởi mở, yêu thương, cầu tiến…thì con mới có thể có sự phát triển hoàn hảo nhất.
Nếu có một lời nhắn gửi đến các mẹ bỉm khác, chị Trinh có muốn nhắn gì không ?
Sau tất cả những gì đã trải qua, Trinh chỉ muốn nhắn gửi rằng:” Hành trình làm mẹ là một hành trình vô cùng hạnh phúc, nhưng nó chỉ thật sự tuyệt vời khi chúng ta đã sẵn sàng. Đừng quyết định có con vì những lý do như đã đến tuổi hay áp lực từ gia đình .. Mà hãy lắng nghe bản thân xem mình đã thật sự sẵn sàng làm mẹ hay chưa. Quyết định thì dễ nhưng sống với quyết định đó cả đời thì không phải là một chuyện đơn giản. Chúc các tất cả các phụ nữ đều có một hành trình làm mẹ ngọt ngào !!!”
Hajimari Mom cảm ơn chị Trinh vì đã dành thời gian đến với buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc chị và gia đình luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc !!!