Bố mẹ lăn tăn, Hajimari Mom giải đáp – Yoga Kid là gì ? Những lầm tưởng của bố mẹ về việc cho trẻ học Yoga

Chuyên mục đặc biệt
02.06.2023

Yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ khoảng 5000 năm trước. Ngày nay, bộ môn này không còn quá xa lạ với chúng ta vì nó không chỉ có thể giúp người tập rèn luyện thân thể mà còn giúp khai mở tâm trí, giảm căng thẳng, lo âu nhờ đó các vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các bạn đã bao giờ nghe đến bộ môn Yoga Kid chưa ? Đúng như tên gọi của nó, Yoga Kid là bộ môn Yoga dành cho trẻ em – một khái niệm còn khá là mới mẻ và xa lạ với các bậc phụ huynh. Nhưng các bạn biết không, bên cạnh việc có thể tối ưu việc kích thích phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ cho trẻ, bộ môn Yoga cho trẻ em này còn cực kì thú vị và hoàn toàn khác biệt với bộ môn Yoga truyền thống dành cho người lớn mà chúng ta từng biết nữa đấy.

 

Hôm nay, các bạn hãy cùng Hajimari Mom lắng nghe những chia sẻ từ cô Lâm Thị Mỹ Ngọc – Hơn 4 năm là HLV Yoga Kids tại Rainbow Yoga, Moti Art Kids. Đồng thời cũng là giảng viên các khoá Đào Tạo Giáo viên Yoga Trẻ em tại Rainbow Yoga… để có thể hiểu rõ hơn về bộ môn này nhé !!! Chắc chắn các bạn sẽ bất ngờ vì một khái niệm Yoga vô cùng mới mẻ từ bộ môn Yoga Kid này.

Chào cô Ngọc, cảm ơn cô Ngọc đã dành thời gian đến buổi phỏng vấn của Hajimari Mom. Được biết, Cô Ngọc vốn xuất thân từ một diễn viên múa vậy thì cơ duyên nào đã mang cô Ngọc đến với bộ môn Yoga , đặc biệt là Yoga Kids ?

Chào Hajimari Mom, đúng như Hajimari Mom đã nói, Ngọc vốn xuất thân từ một diễn viên múa và cũng chính vì múa mà Ngọc có cơ hội được bén duyên với Yoga. Cụ thể là Ngọc đã tiếp cận Yoga vì mục đích hỗ trợ khắc phục điều trị chấn thương trong một lần luyện tập múa và “mê” Yoga luôn từ đó. Bởi chính bản thân mình được trải nghiệm và thật sự cảm thấy hiệu quả rõ rệt từ Yoga mang lại nên Ngọc đã quyết định học nghiêm túc hơn về bộ môn này.

Sau một thời gian dài học tập, rèn luyện Yoga cũng như đã có kinh nghiệm đi dạy Yoga dành cho người lớn thì Ngọc lại nhen nhóm quyết định “chinh phục” Yoga Kid. Bởi lẽ, từ khi thời sinh viên đi dạy thêm múa cho các bé, Ngọc đã rất thích công việc này. Trẻ con luôn mang lại cho Ngọc một nguồn năng lượng tích cực và tươi mới. Và trước khi đến với bộ môn Yoga Kid Ngọc cũng không thể hình dung bộ môn này lại khác biệt với khái niệm Yoga trước đó mà Ngọc từng biết nhiều đến như vậy, nhưng quả thật nó là một bộ môn vô cùng thú vị, đòi hỏi sự học hỏi không ngừng của giáo viên và nó cũng “sôi động” rất nhiều so với bộ môn Yoga mà mọi người biết đấy.

Qủa thực, khái niệm Yoga cho trẻ nhỏ còn khá mới mẻ ở Việt Nam , hơn nữa Yoga được biết đến như 1 bộ môn khá tĩnh lặng, mà các bé thì bản tính hiếu động vậy bằng cách nào có thể khiến các bé có thể tập trung làm theo các động tác? Để mọi người có thể hình dung rõ hơn cô Ngọc có thể giải thích rõ hơn về bộ môn này không ?

Nếu như một lớp học Yoga cho người lớn thường có bầu không khí trầm tĩnh, thư thái để học viên có thể hoàn toàn tập trung vào cơ thể, hơi thở,cân bằng được tâm trí thì một lớp học Yoga dành cho trẻ em sẽ có rất nhiều hoạt động vô cùng đa dạng và sinh động. Do đặc tính về độ tuổi, khả năng tập trung của bé sẽ có giới hạn cùng với phải chịu sự tác động rất nhiều từ môi trường xung quanh, giáo viên Yoga Kid không thể ngồi im và đưa ra những hướng dẫn đơn thuẩn như : đưa tay lên , hít thở vào , bỏ tay xuống thở ra… Bởi lẽ, nếu hướng dẫn như vậy các bé sẽ không thể cảm thụ được Yoga và nhanh chóng rơi mang cảm giác chán chường. Mà việc mô tả truyền đạt hướng dẫn thực hiện động tác cho các bé sẽ phải mang hơi hướng tượng hình hơn để bé có thể cảm thấy thú vị và dễ nhớ. Ví dụ như trong Yoga có tư thế chữ V ngược là tư thế chống tay về phía trước rồi đẩy mông lên. Thay vì dùng đúng tên gọi “động tác chữ V ngược” thì khi hướng dẫn, giáo viên sẽ dùng tên “Chó úp mặt duỗi mình” , cả lớp sẽ được hóa thân thành một chú chó đang nằm úp mặt xuống , duỗi mình ra và đẩy mông lên… Như vậy thì các bé có thể dễ dàng nhớ được động tác thông qua việc mình hóa thân thành một chú chó trong câu chuyện.

Một buổi học Yoga cho trẻ sẽ đa dạng những hình thức tập luyện sinh động như : Yoga Trò Chơi : bé sẽ được tập những động tác Yoga thông qua những trò chơi , Yoga Kể Chuyện : bé sẽ thực hiện động tác thông qua tạo hình những nhân vật theo mạch một câu chuyện thú vị  , Yoga Âm Nhạc : bé sẽ được tập những động tác liên kết thành một chuỗi chuyển động , kết hợp với nhạc có nhịp và dễ ghi nhớ…

Giáo viên Yoga Kid sẽ phải liên tục nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tạo hứng thú cho bé rồi khi đó mới dẫn dắt bé vào các tư thế Yoga bằng những hình thức khác nhau. Một khi tạo được kết nối, hứng thú với các con rồi thì việc truyền đạt những động tác Yoga đến các bé sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Vậy thì thông thường qui trình cơ bản của một lớp học Yoga dành cho trẻ em sẽ như thế nào ? Và một lớp học kéo dài khoảng bao lâu ?

Tùy vào độ tuổi khác nhau mà giờ học cũng khác nhau, nhưng thường thì một buổi học sẽ không quá 30 phút cho bé từ 3 tuổi đến 4 tuổi và không quá 60’ cho những bé lớn hơn. Tùy vào từng giáo viên khác nhau sẽ có cách dẫn dắt các bé đi vào động tác khác nhau. Đa phần những lớp bên Ngọc sẽ đi theo qui trình như sau :

Thời gian 5 phút đầu : Giáo viên sẽ tâm sự, hỏi han tâm trạng của bé để bắt đầu tạo sự kết nối và bắt đầu hướng sự tập trung của các bé vào cô.

Lời chào : Mọi người sẽ cùng nhau chắp tay và thực hiện lời chào “Namaste”

Làm nóng không khí lớp học : Giáo viên sẽ có một trò chơi hoặc một bài hát hoặc một câu chuyện để mọi người tương tác cùng nhau, làm nóng bầu không khí lớp học, khởi động tâm trí của các bé và cũng như gợi mở tạo sự tò mò cho bài tập chính.

Làm nóng cơ thể : Tùy vào động tác của bài tập chính mà các bé sẽ được hướng dẫn các động tác làm nóng cơ thể

Bài tập chính : Từng ngày khác nhau, giáo viên sẽ thay đổi chủ đề khác nhau. Cụ thể nếu chủ đề hôm đó là Yoga Âm Nhạc thì giáo viên  sẽ lồng những động tác vào một bài hát để hướng dẫn cho bé, còn Yoga Kể Chuyện thì các giáo viên sẽ cho bé dùng tư thế Yoga đã diễn giải câu chuyện thông qua hình ảnh của các nhân vật.

Thư giãn : Sau khi kết thúc bài tập chính , các bé sẽ được nằm hoặc ngồi thư giãn. Thường thì không khí lớp học lúc này sẽ hơi trầm lắng và im lặng, để các con cảm nhận được cơ thể của mình.

Sau đó mọi người có thể cùng nhau hát một bài hát hoặc học về những câu thần chú Mantra để giúp bé giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ thần chú Mantra niềm vui : bé sẽ được dạy rằng có thể đọc câu thần chú này khi cảm thấy muộn phiền … Rồi mọi người chào nhau và kết thúc lớp học.

Các lớp học Yoga cho trẻ em thường sẽ rất là đa dạng với nhiều chủ đề, hoạt động xen kẽ khác nhau nên các bé cũng không đoán được buổi học sẽ học được những gì nên sẽ luôn có cảm giác mới mẻ khi đến lớp.

Theo quan điểm của cô Ngọc thì độ tuổi lý tưởng cho bé để bắt đầu bộ môn này là gì ? Và các bé thường sẽ mất bao lâu để thích nghi với bộ môn này ? Bố mẹ có đóng góp vai trò gì trong quá trình học của con không ?

Nếu nói về độ tuổi để bắt đầu với bộ môn Yoga thì các bé tầm 3 tuổi là có thể bắt đầu được rồi. Tuy nhiên , ở độ tuổi này các bé gần như sẽ không học các tư thế mà sẽ bắt đầu với việc làm quen, thích nghi với bộ môn này trước. Tuy nhiên, việc bắt đầu từ sớm sẽ có ích rất nhiều trong việc kích thích những hoạt động của cơ thể như : điều khiển tay, ngón tay, cổ tay, đầu vai… từ đó sẽ giúp cơ thể bé dần linh hoạt lên. Sau một thời gian, bé sẽ ý thức được cách cơ thể chuyển động cũng như là ý thức được về vóc dáng, thấm dần được bộ môn Yoga một cách tự nhiên nhất. Thường thì ở độ tuổi này, sẽ mất vài tuần mới quen được cô, 1 đến 2 tháng sau mới bắt đầu có thể chú ý và tập theo cô và tầm 1 năm thì sẽ nhớ được những động tác cơ bản. Bé từ 6 tuổi trở lên thì sẽ bắt đầu nhận thức rất tốt những chuyển động của cơ thể và bắt đầu nhớ được những chuỗi động tác cơ bản.

Đối với các bé thì sự ủng hộ và đồng hành trong quá trình học của con khá là quan trọng. Đặc biệt các bé rất thích chia sẻ những điều mình được học cho bố mẹ cùng tập theo ở nhà, nên nếu bố mẹ có thể cùng bé vừa chơi vừa luyện tập ở nhà thì sẽ kích thích được niềm phấn khích, hứng khởi của con đối với bộ môn này.

Hầu như ai cũng hiểu Yoga mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, tâm trí… nhưng cụ thể đối với trẻ em thì Yoga sẽ mang lợi ích gì cho bé ? Và trên thực tế những bé đã từng học với cô Ngọc bộ môn này đã có sự tiến bộ gì ?

Về lợi ích của việc tập Yoga đối với bé thì rất nhiều và tùy từng bé mà sẽ nhận được hiệu quả rõ rệt khác nhau. Tuy nhiên, nếu để nói về những điểm nổi bật mà bố mẹ có thể thấy là Yoga sẽ tác động đến việc phát triển chiều cao của bé, bé cũng bắt đầu có ý thức về việc giữ gìn vóc dáng của mình (dáng đi, dáng đứng và ngồi sao cho đúng cách để khung xương được phát triển tốt nhất) cũng như sự chuyển động của cơ thể cũng trở nên linh hoạt hơn. Đặc biệt là khi tập Yoga sự chuyển hóa trong cơ thể cũng được kích thích tác động tích cực lên hệ tiêu hóa giúp con ăn ngon hơn, dễ tiêu hóa hơn. Hệ tuần hoàn cũng như hệ hô hấp được nâng cao đáng kể thông qua các bài tập thở.

Về mặt tâm trí thì qua thời gian, các bé sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát được cảm xúc của bản thân, con trở nên trầm tĩnh, điềm đạm hơn trong việc giải quyết các vấn đề xung quanh cuộc sống. Khả năng tập trung và sáng tạo của bé cũng được nâng cao bởi con được rèn luyện mỗi ngày thông qua việc tập và ghi nhớ các tư thế Asana bằng cách tưởng tượng những hình ảnh. Và khi tập Yoga, sẽ có rất nhiều bài tập luyện nhóm, cả lớp cùng nhau tập luyện hay các bài tập Yoga đôi, các bé tập riêng với cô hoặc phối hợp với bạn nên cũng có thể phát triển khả năng giao tiếp và làm việc nhóm của bé một cách vô cùng tự nhiên.

Vậy trong quá trình dạy cô Ngọc đã từng tiếp nhận một trường hợp dạy trẻ đặc biệt nào chưa ?

Đối với Ngọc, Yoga là một bộ môn mà ai cũng có thể học tử trẻ em đến phụ nữ mang thai hay người cần dùng Yoga để hỗ trợ trị liệu… điều quan trọng là đối với từng đối tượng giáo viên phải tìm ra được phương pháp phù hợp mà thôi. Ngọc còn nhớ, có một lần Ngọc từng đứng lớp dạy một bé có dấu hiệu rối loạn về mặt cảm xúc. Bé rất thích được nghe kể chuyện nên cực kì hứng thú với những tiết Yoga kể chuyện. Nhưng mỗi lần Ngọc đổi chủ đề thành Yoga âm nhạc hay Yoga trò chơi .. là bé sẽ gần như không làm chủ được cảm xúc của mình mà phản kháng rất mạnh mẽ như : hét ,khóc , chạy vòng vòng trong lớp hay đánh những người bạn gần mình rồi đánh luôn cả cô khi nhu cầu của bản thân không được đáp ứng.

Khi lần đầu tiếp xúc, Ngọc khá hoang mang và suy nghĩ rất nhiều phương pháp để giúp bé thoát ra được cách thể hiện cảm xúc tiêu cực của mình. Thậm chí, Ngọc phải soạn giáo án riêng cho lớp của bé, cố gắng lồng nhiều câu chuyện để giúp bé gọi tên cảm xúc cũng như giải quyết đúng với cảm xúc đó của mình. Ví dụ như có một câu chuyện mà bé rất thích khi được nghe đó là câu chuyện về bạn Mây : “Bạn Mây bình thường có màu trắng, bay trên trời rất đẹp, mọi người đều yêu quí và muốn lại gần chơi với bạn Mây. Nhưng khi bạn Mây buồn thì bạn Mây đổi thành màu xám, mọi người bắt đầu sợ và không dám lại gần Mây nữa. Và khi bạn Mây giận dữ thì bạn Mây trở nên đen thui, xung quanh còn có sấm sét gầm gừ, mọi người sợ hãi chạy đi trốn không ai dám chơi với bạn Mây nữa.” Khi kể cho bé nghe câu chuyện trên, Ngọc đã giúp bé đọc tên được cảm xúc giận dỗi của mình và liên tưởng việc mọi người cảm thấy thế nào nếu bé không giải quyết được cảm xúc của mình đúng cách, đồng thời hướng dẫn bé cách hành xử khi “cơn giận dữ ập tới”. Thông qua những câu chuyện như thế, sau 2 tháng thì bé đã thật sự đọc tên được cảm xúc của mình cũng như giải quyết nó theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Điển hình là bé chịu thử và tiếp nhận những điều mà trước đây bé cho là không thích, không muốn thử hay khi có những điều trái ý làm bé không hài lòng, bé cũng nhẹ nhàng và điềm đạm hơn để thể hiện cảm xúc của mình.

Đối với cô Ngọc, những điều khó khăn hay gặp phải của một giáo viên Yoga cho trẻ em là gì ?

Khác với bộ môn Yoga cho người lớn, ngoài yêu cầu về mặt chuyên môn, giáo viên Yoga cho trẻ em cần phải có một tinh thần và năng lượng vô cùng tốt. Bởi vì một buổi học Yoga cho trẻ em sẽ có những hoạt động sôi nổi liên tục, điều quan trọng là cô phải tạo được sự hứng thú và truyền được năng lượng tích cực đến các con do vậy bản thân của cô cần phải có sẵn rất nhiều năng lượng thì mới làm được điều đó, vì trẻ con rất nhạy cảm và cảm nhận được trường năng lượng xunh quanh cực kì tốt. Nên nếu các cô không đủ năng lượng, thì các con cũng sẽ mất đi hứng thú và buổi học sẽ thất bại.

Thêm vào đó, việc có thể kết nối với bé cũng như phương pháp truyền đạt với các bé đối với giáo viên là cực kì quan trọng. Nó yêu cầu các giáo viên Yoga cho trẻ phải liên tục học hỏi qua từng ngày để mỗi ngày đến lớp với bé đều là một buổi học thú vị có như vậy thì bé mới có hứng khởi để duy trì bộ môn này.

Hajimari Mom rất cảm ơn cô Ngọc vì đã dành thời gian chia sẻ những thông tin vô cùng bổ ích này, Chúc cô Ngọc sẽ luôn thành công và phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới !!!!

 

follow me