Bố mẹ lăn tăn, Hajimari Mom giải đáp – Ballet và những điều lưu ý khi cho trẻ theo học

Phỏng vấn
23.03.2023

Ngày nay, ngoài chú trọng các bộ môn chính trên ghế nhà trường, việc cho bé tập luyện các bộ môn thể thao hay nghệ thuật cũng được các bậc phụ huynh quan tâm. Việc tập luyện các bộ môn múa nói chung hay Ballet nói riêng, không chỉ giúp bé phát triển về thể chất mà còn có thể giúp ích rất nhiều trong việc phát triển não bộ của bé một cách toàn diện nữa đấy. Bởi lẽ, các kỹ thuật rèn luyện những động tác trong môn học này luôn đòi hỏi sự chuẩn xác nên yêu cầu khả năng tập trung, ghi nhớ thông tin, hình ảnh của các bé, từ đó trí não của bé được rèn luyện một cách tự nhiên nhất.

 

 Ngoài ra, để giữ được những tư thế thăng bằng trong bộ môn này các bé sẽ phải tập luyện vận dụng cả 2 bán cầu não cùng một lúc vì vậy bé sẽ có khuynh hướng phát triển đều được cả 2 bên bán cầu não. Đặc biệt múa Ballet còn giúp các bé rèn luyện được sự linh hoạt cũng như khả năng xử lý tình huống ngay từ khi còn nhỏ.

 

Chính vì những lợi ích như thế, việc cho con tiếp xúc với bộ môn múa Ballet từ khi còn bé, không những giúp con có những phút giây giải trí vui vẻ mà còn là một lợi thế giúp ích cho sự phát triển toàn diện của con. Tuy nhiên, đây là một bộ môn khó và đòi hỏi nhiều kĩ thuật, ở độ tuổi  4 – 12 tuổi,  xương khớp các bé cũng đang trong quá trình phát triển nên việc luyện tập sai phương pháp có thể sẽ gây ra các chấn thương về sau cho bé.

 

Vì vậy để bố mẹ có thể hiểu rõ hơn về môn học này, hôm nay Hajimari Mom đã có một cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Huyền, hiện tại đang là Founder & Managing Director tại Hana Arts Centre, cô Huyền đã theo đuổi ngành múa chuyên nghiệp tại Học Viện Múa Quốc Gia từ năm 13 tuổi, là một giáo viên hơn 8 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy nghệ thuật cho các bé. Các mẹ cùng theo dõi bài viết nhé !!!

Chào cô Huyền, được biết cô Huyền bắt đầu đi theo bộ môn múa chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi, không biết cơ duyên nào đã đưa mình đến bộ môn này từ rất sớm như vậy ?

Chào Hajimari Mom và các độc giả, thật ra, đối với Huyền, có lẽ múa đúng là một cơ duyên. Mẹ Huyền vốn dĩ cũng là một diễn viên múa, nhưng vì nhiều lý do mà mẹ Huyền đã rẽ hướng giữa chừng. Vì vậy, từ lúc Huyền còn bé, khi phát hiện ra con gái có sở thích đặc biệt với bộ môn múa, mẹ Huyền đã có phân tích cho Huyền hiểu về những khó khăn, vất vả mà Huyền sẽ phải gặp nếu quyết định đi theo con đường múa chuyên nghiệp. Nhưng sau tất cả, Huyền vẫn cảm thấy bản thân mình có một niềm đam mê với bộ môn này nên mẹ đã cho Huyền học múa tại nhà văn hóa thiếu nhi của thành phố.

Và trong một lần, khi Học Viện Múa Quốc Gia (lúc bấy giờ là trường Cao Đẳng Múa Việt Nam), ngôi trường chính quy duy nhất đào tạo về ngành múa đã tổ chức một cuộc thi tuyển chọn học sinh cho trường tại quê hương của Huyền.

Khi biết được tin ấy, Huyền đã quyết tâm luyện tập để tham gia thi tuyển và cuối cùng may mắn đã mỉm cười, Huyền đã được trường chọn và quyết định một mình khăn gói lên Hà Nội để theo học tại trường từ năm 13 tuổi.

Vậy lý do gì khiến cô Huyền bén duyên với “nghề dạy trẻ” và thành lập trung tâm Hana Arts Centre hiện nay ? Cô Huyền có thể chia sẻ thêm một chút về trung tâm của mình không ?

Huyền vốn là một người yêu trẻ con. Khi tiếp xúc với trẻ con, Huyền luôn cảm nhận được những nguồn năng lượng tích cực, vui vẻ, mọi muộn phiền như biến mất. Vì thế, năm 18 tuổi sau khi tốt nghiệp trường múa, khi được bén duyên đi theo ngành dạy múa cho các bé Huyền đã duy trì công việc cho đến hiện tại. Và vì ngay từ khởi điểm là dạy múa cho trẻ con, nên Huyền cũng để ý nhiều hơn trong việc truyền đạt, hướng đến cách giáo dục để các bé có thể hiểu hơn về bộ môn này, cũng như tỉ mỉ trong cách dạy cho trẻ nắm và hiểu được lợi ích từ những động tác nhỏ khi con làm đúng chứ không đơn thuần là học cho vui hay theo cảm hứng của thầy cô.

Và sau hơn 4 năm làm việc trong hệ thống giáo dục của Vinschool, đồng hành hợp tác xây dựng các chương trình cũng như trực tiếp giảng dạy tại các CLB nghệ thuật của tất cả các cơ sở trường mầm non Vinschool trên địa bàn TPHCM, sau khi kết hôn Huyền đã quyết định thành lập trung tâm Hana Arts Centre cho riêng mình với phương châm giáo dục là đi theo chính gốc nhất có thể.

Ở Hana Arts Centre các bé có thể lựa chọn các môn học như múa hiện đại, Ballet, Kpop, MC… Và ở bất cứ bộ môn nào thì giáo viên ở trung tâm Hana Arts Centre luôn được đào tạo rất kĩ những kiến thức chính qui, cũng như cách truyền đạt cho các bé để trong quá trình học, các bé sẽ luôn hiểu được vì sao mình phải làm động tác như thế này hay thế kia và khi mình làm đúng thì mình sẽ được lợi ích gì. Ví dụ đơn giản như việc ngồi thẳng lưng, các giáo viên sẽ giải thích và làm mẫu cho các bé xem khi mình ngồi cong lưng thì xương sống của mình lâu dần sẽ bị tác động như thế nào.. Vì thế bé sẽ hiểu rõ được lý do và muốn làm theo một cách tự nhiên vì nó tốt cho cơ thể của mình chứ không có cảm giác bị ép buộc.

Ngoài ra, chương trình học ở Hana Arts Centre cũng được các chuyên gia tư vấn và biên soạn theo bài bản để đảm bảo các bé có thể nắm vững được cơ bản nhất có thể cũng như đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi của các bé theo học ở trung tâm.

Theo cô Huyền, độ tuổi lý tưởng để các bé có thể bắt đầu học bộ môn Ballet là khi nào ?

Nếu nói về độ tuổi thích hợp để bắt đầu bộ môn Ballet thì 4 tuổi là độ tuổi lý tưởng nhất, nhưng trước đó tầm 3 tuổi thì bố mẹ có thể cho bé học trước về cảm thụ âm nhạc thì khi vào bộ môn chính bé sẽ dễ thích nghi dễ hơn. Và nếu bắt đầu ở 4 tuổi thì các bé chỉ nên học những động tác cơ bản , không nên học những động tác quá khó cần nhiều kĩ thuật vì ở độ tuổi này sự gắn kết giữa các xương của các bé chưa chắc chắn, chưa đủ chuẩn để có thể làm những động tác thiên về kĩ thuật nhiều. Nếu bé tập quá mức thì rất dễ dẫn đến gãy xương hay chấn thương ngầm , là những chấn thương mà chúng ta không thể thấy ngay lập tức nhưng rất có hại về sau này. Còn nếu để bắt đầu đi theo chuyên nghiệp, luyện tập những bài tập khó và kĩ thuật thì 13 tuổi sẽ là độ tuổi thích hợp nhất, khi đó xương các bé đã phát triển hoàn chỉnh và phù hợp cho những động tác yêu cầu kĩ thuật cao.

Vậy khi bé đi học như vậy, bố mẹ có cần chuẩn bị gì không ?

Thật ra, theo Huyền nghĩ, cái bố mẹ cần chuẩn bị nhiều nhất là một tâm lý “đồng hành cùng con”. Các bé có thể sẽ rất hay mè nheo và có tâm trạng nay thích mai chán, hoặc hôm nay không thích nhưng mai lại thích…. Nhưng để thật sự yêu thích và gắn bó với một bộ môn nào đó thì các bé cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, điều duy nhất bố mẹ có thể giúp là luôn động viên, cổ vũ bé kiên trì trong một khoảng thời gian mà 2 bên tự thỏa hiệp với nhau. Nếu sau khoảng thời gian con đã cố gắng và cảm thấy không thích nữa thì việc dừng lại cũng là điều hợp lý nhưng nếu chỉ sau 1,2 ngày mà con đã muốn bỏ cuộc và không nhận được sự động viên của bố mẹ thì bé sẽ trở nên rất dễ nản không chỉ ở bộ môn múa mà cả những vấn đề khác trong cuộc sống.

Trong nhiều năm dạy những bộ môn nhảy cho trẻ như vậy, thì cô Huyền có thể chia sẻ khó khăn khi bắt đầu dạy cho trẻ không ? Và cách để cô vượt qua khó khăn đó là gì ?

Huyền nghĩ việc khó khăn nhất khi dạy các bạn nhỏ đó là các giáo viên phải hiểu được tâm lý của trẻ. Tâm lý của trẻ con khá phức tạp và dễ chán, có ngày các bé vui thì học rất tốt, nhớ bài rất nhanh, nhưng những ngày bé buồn thì lại không thích học nữa… Vì vậy, giáo viên phải là một người nhiều năng lượng để luôn nghĩ ra cách khiến lớp học của mình lúc nào cũng vui để khiến các bé có hứng thú khi đến lớp mỗi ngày. Đặc biệt là bộ môn Ballet, một bộ môn đòi hỏi bé phải tập đi tập lại một động tác rất nhiều lần, các cô phải luôn nghĩ ra cách truyền đạt thú vị hơn, ví dụ như : lồng ghép động tác vào trò chơi, hay diễn tả động tác theo kiểu tạo hình, cụ thể là “hôm nay mình sẽ làm động tác bông hoa nhé ! Cô trò mình cùng biến hình thành những bông hoa thật xinh đẹp nào !!”… Như vậy các bé sẽ cảm thấy thích thú vì mình có thể “biến hình” từ đó sẽ tự nhiên cố gắng muốn làm động tác tốt nhất có thể… Đó là điều mà các giáo viên luôn phải học hỏi, tìm hiểu, sáng tạo mỗi ngày để luôn có thể làm mới lớp học của mình cũng như khiến các giờ học trở nên sinh động, vui vẻ để truyền động lực tích cực đến các bé.

Trẻ học trên trường là vậy, thì khi ở nhà, bố mẹ có cách nào để phối hợp với bé để giúp bé tiến bộ hơn không ?

Điều bố mẹ có thể phối hợp giúp bé mau tiến hộ hơn khi ở nhà đó là sự cổ vũ, khuyến khích bé. Mỗi khi dạy các động tác mới cho các bé, Huyền cũng như các giáo viên ở trung tâm hay nói bé là “Con thử về dạy lại cho mẹ thử xem mẹ có làm được đẹp như con không nhé !!” Bé rất thích và thường về nhà đố bố mẹ làm lại giống mình. Nếu bố mẹ có sự tương tác qua lại trong quá trình học với con, thì sự hứng thú của bé đối với bộ môn này cũng tăng lên một cách tự nhiên. Huyền nghĩ, đó cũng là một hoạt động khá thú vị để gắn kết các thành viên trong gia đình.

Vậy theo cô Huyền, việc cho trẻ học nhảy nói chung và Ballet nói riêng sẽ mang lại những lơi ích gì cho bé ?

Lợi ích đầu tiên có thể thấy ở trẻ là sự tự tin. Vì vốn dĩ khi học các bộ môn này bé sẽ thường xuyên được thể hiện mình trước tập thể, hay qua ống kính..

Thứ hai là các bé được giải tỏa năng lượng rất nhiều khi vận động, tâm lý tinh thần sau những buổi học căng thẳng trên lớp.

Ngoài ra, ở bộ môn múa Ballet các bé sẽ được làm việc nhóm với các bạn rất nhiều, để có thể phối hợp với các bạn làm sao cho các động tác được đều nhau, từ đó bé sẽ được phát triển một cách tự nhiên nhất về khả năng quan sát, kĩ năng làm việc nhóm cũng như sự khéo léo, nhanh nhạy khi vận động.

Hajimari Mom cảm ơn cô Huyền rất nhiều vì những chia sẻ thật sự thú vị. Chúc cô Huyền và Hana Arts Centre sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

 

follow me