Bố mẹ lăn tăn, Hajimari Mom giải đáp – Mở rộng cánh cửa tri thức : Khám phá bộ môn Cờ Vua – Chất xúc tác cho những trí tuệ nhí

Chuyên mục đặc biệt
26.08.2023

Với những qui luật thú vị đặc biệt, Cờ Vua không đơn giản chỉ là một trò chơi, mà còn là một công cụ giúp trẻ em phát triển tư duy và khám phá khả năng tiềm ẩn. Từ việc nhìn vào quân cờ và suy luận các nước đi phức tạp, trẻ em được khuyến khích suy luận, tư duy và phân tích một cách hệ thống. Đồng thời, Cờ Vua cũng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng quyết đoán và lập kế hoạch thông qua việc tìm kiếm lối chơi tốt nhất để chiến thắng đối thủ.

 

Để hiểu hơn về bộ môn “tuy chơi mà học, tuy học mà chơi” này, Hajimari Mom đã tìm đến cô Phạm Thị Linh Nhâm – Kiện Tướng Quốc Gia bộ môn Cờ Vua, hiện đang là giám đốc trung tâm Cờ Vua Gia Định, cũng như là người phụ trách câu lạc bộ Cờ Vua của TP Thủ Đức để nghe cô chia sẻ rất nhiều điều thú vị về bộ môn vô này. Các bạn hãy cùng Hajimari Mom bước vào hành trình khám phá thế giới Cờ Vua và những ảnh hưởng tích cực mà nó mang đến cho sự phát triển của trẻ em nhé !!!

Chào cô Nhâm, rất cảm ơn cô vì đã dành thời gian đến buổi phỏng vấn cùng Hajimari Mom ngày hôm nay. Theo Hajimari Mom được biết, cô đã bắt đầu với Cờ Vua từ năm 4 tuổi và theo đuổi đam mê đó cho đến tận ngày hôm nay. Cô có thể chia sẻ lại hành trình của mình với bộ môn này không ?

Thật sự thì Nhâm có được ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là Ba của Nhâm nên Nhâm luôn biết ơn điều đó. Câu chuyện là vào năm 4 tuổi, khi đó Nhâm bị gãy tay nên không đi học mẫu giáo, qua những lần quan sát anh trai chơi cờ vua với ba, Nhâm đã nhớ các quân cờ cũng như cách chơi Cờ Vua một cách rất tự nhiên và nhanh chóng. Sau đó thì khi Nhâm chơi thử với anh trai đã thắng được anh trai trong sự ngỡ ngàng của ba. Vậy là ba quyết định mua sách và tài liệu về Cờ về để dạy Nhâm cặn kẽ từng chút một về những thế cờ. Nên nếu mà nói đến người thầy đầu tiên thì chắc chắn không ai khác là Ba của Nhâm.

Khi Nhâm lên lớp 1 , trên trường có tổ chức cuộc thi Cờ Vua và Nhâm đã bị từ chối khi đăng kí vì còn quá nhỏ nhưng sau rất nhiều lý lẽ để thuyết phục thì cuối cùng Nhâm cũng nằm trong nhóm những thí sinh năm đó được đại diện trường đi thi. Kết quả là Nhâm đã được giải nhất Cờ Vua ở huyện và giải nhì cấp tỉnh.

Sau đó, bố lại tiếp tục mua sách và tài liệu về để dạy Nhâm kết quả là đến năm lớp 2, và lần này Nhâm đã chinh phục được giải nhất cấp tỉnh. Và đây cũng là bước ngoặc của cuộc đời khi Trường Năng Khiếu Thể Thao tỉnh Thanh Hóa lúc đó đã trực tiếp trao đổi với ba mẹ của Nhâm về việc cho Nhâm lên trung tâm của tỉnh để học chuyên về Cờ Vua và một đứa trẻ 8 tuổi lúc đó đã quyết định sống xa gia đình để sống cùng niềm đam mê của mình. Nhâm bắt đầu cuộc sống một mình ở trường Năng Khiếu Thể Thao để có thể học song song văn hóa và Cờ Vua. Và chính thức nhận được Huy Chương Bạc Cờ Vua Toàn Quốc vào năm lớp 3.

Bắt đầu sống xa nhà từ năm lớp 2 để được theo đuổi con đường Cờ Vua chuyên nghiệp ??? Cô Nhâm đã bao giờ muốn từ bỏ niềm đam mê và trở về nhà ?

Đối với một đứa trẻ 8 tuổi lúc ấy, chắc nỗi nhớ nhà, sự mong ngóng được gặp bố mẹ mỗi cuối tuần có lẽ sẽ không bao giờ nguôi được. Đến tận bây giờ, khi nhớ đến giây phút Nhâm đuổi theo xe máy của ba khi ba mẹ trở về nhà còn mình thì ở lại để học Nhâm vẫn cảm thấy vô cùng xúc động. Bao nhiêu năm tháng đi qua, nhưng cảm giác buồn bã khi phải rời xa bố mẹ của một đứa bé 8 tuổi Nhâm chưa bao giờ quên được. Nhưng kể cả vào thời điểm ấy, Nhâm vẫn chưa từng một lần nghĩ đến hai chữ “Từ Bỏ” , Nhâm cũng không hiểu vì sao niềm đam mê của mình với Cờ Vua lại mãnh liệt đến vậy, chỉ biết rằng khi được “chinh chiến” trên bàn cờ , Nhâm như quên đi tất cả mọi thứ.

Nhâm luôn biết ơn bố mẹ, gia đình đã luôn tạo điều kiện cho mình theo đuổi niềm đam mê này.

Vậy từ cơ duyên nào đã khiến cô Nhâm quyết định thành lập Cờ Vua Gia Định ? Và vì sao lại là Gia Định mà không phải một cái tên nào khác ?

Nhâm thành lập trung tâm Cờ Vua với một mục đích duy nhất là thỏa được đam mê và ước vọng muốn mang Cờ Vua đến với mọi người, đặc biệt là những trẻ em. Đây là một mong muốn mà Nhâm đã ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn vì sao lại có cái tên Gia Định thì đối với một người từ vùng đất khác vào Nam lập nghiệp như Nhâm, thì vùng đất này đã mang đến rất nhiều giá trị về cuộc sống cũng như về kinh tế. Nhâm luôn biết ơn vùng đất này nên đã quyết định lấy tên Gia Định là tên của Sài Gòn thời xưa.

Và trung tâm Cờ Vua Gia Định lấy logo là hình ảnh 3 quân Tốt đứng kế nhau và có 1 quân Tốt được đội vương miệng danh giá với ý nghĩa là mọi người đều sẽ có xuất phát điểm thấp nhất giống nhau, nhưng nếu kiên trì, đam mê và không từ bỏ thì kể cả quân Tốt cũng sẽ có ngày được biến thành quân Hậu, là quân “quyền lực nhất của bàn Cờ Vua.

Theo cô Nhâm, độ tuổi thích hợp để các bé có thể bắt đầu học Cờ Vua là khi nào ? Và vì sao lại là độ tuổi này ?

Theo Nhâm, ở thời buổi hiện nay, độ tuổi thích hợp nhất để các bé có thể bắt đầu học Cờ Vua là tầm 4-5 tuổi. Vì đây là thời điểm vàng để các bé có thể phát triển não và tư duy cũng như còn có thể dành nhiều thời gian cho những môn năng khiếu.

Vậy cụ thể là bộ môn này sẽ có lợi ích gì trong việc phát triển cho bé ? Các bé học Cờ Vua có thật sự cần năng khiếu hay không ?

Cờ Vua có những lợi ích rất dễ nhận thấy như là rèn sự tư duy, tập trung, hay khả năng lập kế hoạch, …là những điều cực kì cần thiết cho cuộc sống sau này của trẻ. Bên cạnh đó, khi chơi cờ các bé còn tập được cách đối diện chấp nhận với thất bại mỗi khi thua trước đối thủ. Đối với các bạn nhỏ, cái tôi còn khá lớn nên rất nhiều bé khi thua sẽ khóc lóc rất nhiều hay giận dỗi. Nhưng khi được làm quen qua nhiều ván đấu thì bé cũng dần dần hiểu được “mặt tốt của thất bại” từ đó cố gắng đi lên từ những thất bại đó để dần hoàn thiện bản thân mình.

Còn về vấn đề năng khiếu, thật ra để biết chơi cờ và học chơi cờ thì không cần năng khiếu, nhưng để có thể tiến xa theo con đường chuyên nghiệp thì năng khiếu là điều kiện cần và bên cạnh đó cũng không thể thiếu được đam mê và một người huấn luyện viên thích hợp.

Nếu vậy còn các bé hơi đặc biệt hơn một chút ví dụ như mắc hội chứng tự kỉ hay tăng động giảm chú ý thì có thể học bộ môn này không ?

Nhìn Cờ Vua là một bộ môn khá “tĩnh”, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ rằng không dành cho các bé đặc biệt, cụ thể là các bé tăng động giảm chú ý. Nhưng thực tế, trong hành trình suốt 12 năm đi dạy của Nhâm thì đã gặp rất nhiều bé tăng động giảm chú ý nhờ Cờ Vua mà có thể hạn chế hoạt động không cần thiết. Đương nhiên, khi xác định các bé có chiều hướng đặc biệt hơn các bé khác thì mình khá khó khăn. Cụ thể là mình sẽ phải suy nghĩ rất nhiều cách để hướng sự tập trung của vào các quân cờ mà không phải những hoạt động bên ngoài khác, khơi gợi mục tiêu chiến đấu khi chơi cờ hay mình sẽ phải chậm lại để kiên trì hướng con vào bài học hơn… nhưng hầu hết các bé đều sẽ tốt hơn sau 6 tháng.

Đối với công việc giáo dục trẻ em, có lẽ việc tạo hứng thú cho trẻ là điều quan trọng nhất, vậy cô Nhâm nói riêng cũng như Cờ Vua Gia Định nói chung đã làm gì để tạo hứng thú cho các bé trong quá trình học ?

Hầu hết các bé khi đến với Cờ Vua đều có sự hiếu thắng riêng, vì vậy Nhâm thường xuyên đặt ra các thử thách ở lớp như : thi đấu nhanh với cô hay 1 bạn thi đấu với cả lớp, ai chiến thắng thử thách sẽ được quà từ cô. Ngoài ra, trong các giờ học, các bé sẽ được phát biểu hoặc thi đấu với các bạn để lấy điểm tích lũy. Và sau mỗi một tháng, các lớp sẽ trao giải cho những bé được điểm cao trong lớp… Chính vì vậy mà không khí trong lớp học đều rất sôi nổi, các bé đều tranh nhau thi đấu cũng như phát biểu ý kiến về các nước cờ.

Ngoài việc học ở trung tâm, cô Nhâm có gợi ý nào để các phụ huynh có thể hỗ trợ các con học cờ Vua tại nhà không ?

Hầu hết các lớp ở Cờ Vua Gia Định đều chỉ tầm 6 đến 8 bạn trong một lớp nên các cô theo rất sát các bé. Vì vậy mà các cô sẽ hiểu rất rõ các bé đang nắm kiến thức tới đâu hay thiếu hụt những gì. Sau đó sẽ trao đổi trực tiếp với phụ huynh và gửi lại phụ huynh những video bài giảng từ cô Nhâm để các bé xem lại ở nhà. Thêm vào đó, các bé còn được học thêm miễn phí những bài học mà các bé chưa hiểu rõ miễn là các bé muốn học thì các giáo viên sẽ luôn sắp xếp những buổi học “ôn luyện miễn phí” cho các bé. Ngoài ra, Nhâm cũng hay gửi phụ huynh những phần mềm mà ở đó các bé có thể luyện tập Cờ Vua ở bất kì đâu khi các bé có thời gian.

Trong quá trình học trung tâm có cách nào để xác nhận được sự tiến bộ của các bé không ? Đối với những bé thật sự có năng khiếu và đam mê thì trung tâm có xác định hướng đi cho bé trong tương lai không ?

Đối với Nhâm, việc học nhanh không quan trọng bằng việc học chắc. Nhâm luôn tâm niệm học sinh ở trung tâm sẽ phải nắm chắc mọi kiến thức được học ở lớp và thực hành thuần thục trước khi được học kiến thức mới nên mỗi khóa các bé sẽ phải trải qua kì thi cuối khóa để xác nhận lại kiến thức. Nếu còn thấy bé chưa nắm chắc kiến thức ở lớp cũ thì Nhâm sẽ cho các bé học lại.

Nhâm cũng thường xuyên tổ chức các giải thi mở rộng để các bé có thể nâng cao cọ sát với những học viên ở những trung tâm khác cũng như xác nhận lại được rằng mình đang ở đâu trên hành trình Cờ Vua.

Đối với nhưng bé thật sự có năng khiếu và đam mê, thì trung tâm sẽ trao đổi trực tiếp với phụ huynh để gợi ý những hướng đi thích hợp với bé cũng như đề xuất những huấn luyện viên chuyên nghiệp riêng cho các bé để các bé có thể tiến xa hơn trên hành trình này. Đặc biệt là đối với những bé từng đạt giải thành phố thì sẽ được học hoàn toàn miễn phí tại trung tâm Cờ Vua Gia Định.

Hajimari Mom cảm ơn cô Nhâm rất nhiều vì những chia sẻ vô cùng thực tế và thú vị. Chúc cô Nhâm và Cờ Vua Gia Định sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

follow me