Bố mẹ lăn tăn, Hajimari Mom giải đáp – Robotics: Vượt qua giới hạn, khám phá tiềm năng tư duy của trẻ

Chuyên mục đặc biệt
30.06.2023

Trong thời đại 4.0, khi mọi thứ đều hiện đại hóa, việc hiểu biết và sử dụng các thiết bị hiện đại là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển trong tương lai của trẻ. Vì vậy mà các bậc phụ huynh cũng dần quan tâm nhiều hơn đến các lớp học công nghệ dành cho trẻ nhỏ. Trong số đó, Robotics là một bộ môn học hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Bộ môn này tập trung vào việc thiết kế, xây dựng và lập trình các robot tự động thực hiện các công việc cụ thể. Robotics không chỉ mang lại sự tiện ích cho cuộc sống hàng ngày, mà còn có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như y tế, công nghiệp, nông nghiệp hay quân sự. Qua việc nghiên cứu và phát triển robot, các kỹ sư robotics đóng góp đáng kể vào việc tạo ra những công cụ, có khả năng tương tác với môi trường và giúp con người đáp ứng tốt hơn với những thách thức hiện đại.

Thật sự thì với thời buổi phát triển như hiện nay, không khó để các bậc phụ huynh có thể tìm cho trẻ nhỏ một lớp học như thế, nhưng bố mẹ đã thật sự hiểu về bộ môn Robotics này chưa?Một bộ môn nghe “khó nhằn” như vậy thì bằng cách nào mà trẻ sẽ có thể tiếp thu được? Bé từ bao nhiêu tuổi thì có thể bắt đầu học được?

Để giải đáp những thắc mắc đó, hôm nay Hajimari Mom đã có một buổi nói chuyện với thầy Cao Xuân Nam, hiện đang là chủ nhiệm của câu lạc bộ Robotics và IoT (Internet of Things) trực thuộc Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG-TPHCM về các vấn đề xoay quanh bộ môn vô cùng thú vị này.

Theo Hajimari Mom được biết, câu lạc bộ Robotics và IoT đã được thành lập từ hơn 8 năm trước, lúc ấy những lớp công nghệ dành cho trẻ chưa phổ biến như hiện tại, vậy thầy Nam có thể chia sẻ cơ duyên và lý do ra đời của câu lạc bộ Robotics và IoT được không ?

Khoảng năm 2015 khi Nam đang công tác tại phòng Thí Nghiệm Trí Tuệ Nhân Tạo thì thầy Vũ Hải Quân – lúc bấy giờ là Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên hiện tại đang là giám đốc Đại Học Quốc Gia đã gặp và trao đổi với Nam về ý tưởng muốn tạo ra 1 sân chơi lành mạnh về công nghệ cho các bạn trẻ. Trước nhất với mục đích có thể phục vụ cho các bạn sinh viên trong trường, tạo điều kiện cho các bạn có thể nghiên cứu đam mê của mình,  và đồng thời cũng là nơi ươm mầm định hướng cho các bạn nhỏ có cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm các môn công nghệ ngay từ độ tuổi đang phát triển. Thầy Quân đã đi rất nhiều nơi trên thế giới và nhận ra rằng ở các nước phát triển Robotics và Internet of Things đang bắt đầu được tiếp cận từ rất sớm còn ở Việt Nam lúc bấy giờ còn khá mới mẻ và hầu như chưa có một lớp học nào dành cho trẻ em. Đó là lý do 8 năm trước Robotics và IoT được ra đời, tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Và như tên gọi của nó câu lạc bộ của mình gồm hai hướng đào tạo chính là Robotics và Internet of things.

Vậy phương châm cũng như cách giáo dục của câu lạc bộ Robotics và IoT có khác gì so với những lớp học công nghệ khác trên thị trường hiện tại không ?

Ở câu lạc bộ Robotics và IoT thì chương trình học được biên soạn là những kiến thức cực kì cốt lõi, không kéo dài và dàn trải thời gian nên các bé sẽ được tiếp thu toàn bộ những kiến thức cơ bản trong một thời gian khá ngắn. Do đó các bé sẽ không có cảm giác chán khi phải học một kiến thức đơn giản trong thời gian dài đồng thời sẽ luôn có cảm giác mỗi ngày mình đều được tiếp thu những kiến thức mới lạ. Thêm vào đó, số lượng học viên tại Robotics và IoT sẽ chỉ rơi vào 10~12 bạn một lớp và để dạy lớp này câu lạc bộ sẽ bố trí 1 giáo viên chính cùng 2 đến 3 trợ giảng để luôn đảm bảo được rằng tất cả các bé đều được theo sát và giải đáp ngay lập tức những thắc mắc của mình.

Điều đặc biệt sau các chương trình đào tạo ngắn hạn, các bé sẽ được tiếp tục sinh hoạt tại câu lạc bộ và dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các bé sẽ biết cách tự mình tiếp tục tư duy, phát triển những kiến thức căn bản đã học đó thành những kiến thức cao hơn thông qua những thử thách, những cuộc thi đấu thực tế cùng các bạn trong câu lạc bộ. Đó cũng là cách các thầy cô giúp các bạn nhỏ biến kiến thức trong sách giáo khoa thành kiến thức của chính mình. Và theo Nam, đó cũng là một cách học nhanh và hiệu quả hơn hẳn so với việc ghi nhớ bằng cách học đi học lại những kiến thức lý thuyết theo một cách rập khuôn trong một thời gian dài.

Thêm một điểm đặc biệt nữa, câu lạc bộ sẽ hoạt động xuyên suốt năm, vì vậy nó sẽ trở thành một nơi mà các bạn nhỏ có thể duy trì, phát triển niềm đam mê của mình cùng với những bạn khác cùng chí hướng. Tại Robotics và IoT các bé sẽ luôn được tạo cơ hội để có thể phát triển tối đa khả năng của mình qua quá trình cọ sát thực tế. Vì vậy, trong quá trình học hay sinh hoạt, câu lạc bộ sẽ tổ chức khá nhiều các cuộc thi đấu nội bộ và cũng lập ra một đội tuyển riêng của câu lạc bộ để đi thi các giải đấu trong và ngoài nước. Tham gia cọ sát thực tế thông qua những cuộc thi sẽ giúp bé cảm thấy hào hứng và thêm quyết tâm giành chiến thắng. Cho đến hiện tại thì năm nào đội tuyển ở câu lạc bộ cũng đi thi và có giải thưởng. Và đã có lần các bạn đội tuyển bên câu lạc bộ của mình từng vô địch thế giới tại một giải đấu ở Thái Lan.

Nam cũng rất vui vì đã được tận mắt chứng kiến rất nhiều trường hợp học viên đời đầu của câu lạc bộ Robotics và IoT có thể xác định được hướng đi của mình từ rất sớm và thành công với con đường Robotics ở thời điểm hiện tại.

Khái niệm về bộ môn Robotics còn khá mới mẻ ở Việt Nam, thầy có thể giải thích rõ hơn về bộ môn này không ? Cụ thể là con sẽ học những kỹ năng, kiến thức gì ở bộ môn Robotics ?

Nếu nói đến cụm từ “Robotics” thì nghe có vẻ mới mẻ và cao siêu và mọi người thường hay hình dung Robot có hình dạng giống con người… Nhưng trên thực tế , Robotics thật ra là sự tự động hóa của các máy móc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta… Những máy móc có thể thay cho con người làm việc đều có thể được gọi là Robot. Sau này, khi có sự phát triển của Internet of things, AI (trí tuệ nhân tạo), …thì nó đã nâng khái niệm Robotics lên một tầm cao mới ví dụ như nó có thể khả năng quản lý tốt hơn thậm chí là thay con người ra quyết định trong một số trường hợp cụ thể.

Về Robotics – môn học thuần về robot thì các bé sẽ được học lắp ráp Robot bằng những bộ Lego sau đó tự lập trình cho Robot của mình các kĩ năng như : di chuyển, nhìn thấy vật cản để né tránh, đi theo đường thẳng, giữ thăng bằng bằng hai chân…thậm chí là chiến đấu với nhau… Con sẽ được tự mình thỏa sức sáng tạo, tự thiết lập một Robot riêng biệt cho mình. Và đặc biệt là sau mỗi buổi học con đều sẽ được trải nghiệm phát triển một kĩ năng mới cho Robot nên sự mới mẻ sẽ tạo nên cảm giác thích thú mỗi ngày.

Tuy nhiên, khi các bé tham gia học tại câu lạc bộ thì tùy vào khả năng, sở thích của từng bé mà sẽ có 3 hướng phát triển chính khác nhau : thuần về Robot, lập trình và điện điện tử. Ban đầu tất cả các bé đều sẽ học chương trình Robot sơ khởi để xác định được khả năng cũng như niềm đam mê thật sự của bản thân. Sau khóa học đó thì giáo viên trực tiếp dạy sẽ là người đánh giá mức độ phù hợp, định hướng phát triển phù hợp của từng bé và phản hồi lại với phụ huynh để gia đình có thể tìm được hướng đi thật sự thích hợp lâu dài với con.

Vậy khoảng bao lâu sau khi bắt đầu học thì các bé có thể tự thiết kế được một Robot cho riêng mình ?

Thật ra tại Robotics và IoT thì ngay từ buổi học đầu tiên, là các bé đã có thể tự mình chế tạo được một Robot cho riêng mình rồi. Sau đó, thông qua các buổi học theo chủ đề, các bé sẽ học được cách lồng ghép những kiến thức trong cuộc sống hằng ngày để “nâng cấp” Robot của mình lên. Ví dụ : bên mình đã từng có chủ đề về Robot Ếch, thì các bé sẽ được lắp Robot nòng nọc rồi từ từ tiến hóa thành Robot Ếch…

Như thầy Nam đã chia sẻ, chương trình học bên mình không kéo dài và dàn trải vậy cụ thể một khóa học Robotics cho các bé tại câu lạc bộ sẽ kéo dài bao lâu ?

Nếu nói về khóa học Robotics thì sẽ khá ngắn, mỗi cấp độ sẽ khoảng 8 buổi (2 tháng) và học hết 8 cấp độ là các bé đã nắm vững toàn bộ kiến thức cơ bản về bộ môn này. Sau đó, khi sinh hoạt ở câu lạc bộ thì các bé sẽ tự mình phát triển những kiến thức cơ bản đó trở thành kiến thức nâng cao. Và khi kết thúc mỗi cấp độ, các bé đều có các bài thi cuối khóa để thuyết trình hay giới thiệu demo về sản phẩm của chính mình tạo ra tại cấp độ đó.

Theo thầy Nam, bé từ bao nhiêu tuổi là thích hợp để học bộ môn Robotics ? Và vì sao đó lại là độ tuổi lý tưởng ?

Khóa học cơ bản Robotics ở câu lạc bộ mình được thiết kế giáo trình dành cho bé từ 6 tuổi trở lên , thực tế chỉ cần bé biết đọc là đã có thể bắt đầu tiếp thu những kiến thức đầu tiên. Có thể các bố mẹ sẽ cảm thấy hơi sớm vì các bé còn khá nhỏ nhưng thực tế đây là độ tuổi khá dễ định hướng và dễ truyền đạt những kiến thức mới. Hơn nữa, nếu bắt đầu sớm thì các bé sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm hơn và được trải nghiệm đa dạng lĩnh vực hơn. Điều đó sẽ giúp bé phát triển nhiều kĩ năng cũng như dễ dàng tìm kiếm được niềm đam mê thật sự của mình.

Với kinh nghiệm quản lý câu lạc bộ hơn 8 năm, đối với thầy Nam để có thể giảng dạy bộ môn Robotics cho trẻ thì các giáo viên phải có những kĩ năng gì ? Và trong quá trình dạy các bé thường sẽ đối mặt với những khó khăn gì ?

Đối với giáo viên Robotics cho các bạn nhỏ thì thật ra yêu cầu về chuyên ngành không quá cao và sâu vì kiến thức của khóa học chỉ là những kiến thức căn bản cốt lõi. Nên yêu cầu quan trọng nhất vẫn là khả năng truyền đạt sinh động. Có những bạn chuyên ngành rất tốt nhưng quá cứng nhắc hoặc không tốt trong kĩ năng diễn đạt thì cũng khó có thể dạy được bộ môn này.

Ngoài ra, việc tạo hứng thú cho các bé ở độ tuổi nhỏ cũng là một thử thách với các giáo viên. Đối với lớp Wedo – lớp Robotics cơ bản thì các giáo viên sẽ phải liên tục nghĩ ra các bài học thực hành ứng dụng để các bé được tương tác với mô hình Robot thực tế, đặt ra nhiều thử thách hoạt động trong lớp để làm buổi học trở nên hấp dẫn và sinh động hơn.

Thêm vào đó, giáo viên dạy Robotics thường sẽ gặp khó khăn với việc linh động trong cách dạy vì khả năng tiếp nhận của các bé trong cùng 1 lớp sẽ khác nhau, nên cách dạy sẽ phải khác nhau. Ví dụ cũng bài học như vậy, các bạn tiếp cận nhanh thì sẽ đặt thêm nội dung thử thách cho các bạn để tăng hứng thú và bớt nhàm chán, còn đối với những bạn tiếp thu chậm hơn thì phải thay đổi cách truyền đạt và theo sát các bạn hơn để hỗ trợ giải đáp những kiến thức cần thiết.

Hơn nữa, tại câu lạc bộ hiện nay cũng có khá nhiều học sinh người nước ngoài đi học, nên các giáo viên hoặc trợ giảng sẽ phải biết thêm tiếng Anh để truyền đạt kiến thức cho các bé. Nhưng trên cơ bản, bên mình sẽ khuyến khích các bé trong cùng lớp tự giao tiếp với nhau, vừa có thể rèn luyện tiếng Anh, vừa có thể một lần nữa xác nhận lại những kiến thức được học.

Trong quá trình dạy thầy Nam dạy đã từng tiếp nhận một trường hợp dạy trẻ đặc biệt nào chưa ? Những bé đặc biệt một chút như tự kỉ hay tăng động giảm chú ý … thì có thể học bộ môn này không ?

Nếu nói về trường hợp đặc biệt thì mình đã gặp và tiếp nhận rất nhiều trường hợp bé tăng động và không điều khiển được cảm xúc của mình. Cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ trường hợp của một bé khi không được làm theo ý mình đã đập phá robot và nhốt mình trong nhà vệ sinh. Nhưng sau một thời gian, khi các giáo viên sát sao và tìm ra được phương pháp cũng như định hướng đúng được khả năng phát triển của bé thì bé dần dần đầm tính hơn và thậm chí là xuất sắc thể hiện được khả năng của mình ở một giải đấu và đạt được huy chương bạc tại cuộc thi lần đó. Nên mình nghĩ , không gì là không thể, chỉ cần bé có niềm đam mê và yêu thích thì các giáo viên ở câu lạc bộ Robotics và IoT sẽ có cách để bé có thể hòa nhập với các bạn cùng lớp.

Hajimari Mom cảm ơn thầy Nam rất nhiều vì những chia sẻ vô cùng thực tế và thú vị. Chúc thầy Nam và CLB Robotics và IoT sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

 

 

follow me