From Japanese Mom – Cách chọn lớp học thêm cho con
Ở Nhật, từ thời điểm mẫu giáo có rất nhiều trẻ bắt đầu học thêm các môn bên ngoài. Và hầu như Cha Mẹ nào thì cũng cố gắng đáp ứng được nhu cầu của con nhiều nhất có thể, miễn là con muốn làm thì tâm lý cha mẹ cũng sẽ tìm cách để con thực hiện được điều đó. Thế nhưng không chỉ về mặt tài chính, việc cho trẻ tham gia học thêm các môn bên ngoài cần sự nỗ lực của Cha Mẹ về cả mặt thời gian, tinh thần. Chẳng hạn như việc đưa đón trẻ lên lớp, về nhà thôi cũng đã làm phụ huynh ít nhiều đắn đo rồi.
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về chuyện các bà mẹ ở Nhật chọn học cho con như thế nào nhé?
1. Các bộ môn trẻ thường học và thời gian của Cha Mẹ
Bơi lội, bóng đá, piano, lập trình, tiếng anh…là những môn phổ biến đối với trẻ ở Nhật. Ngoài ra những môn như luyện chữ, soroban, kumon cũng được nhiều người biết đến.
Ở Nhật, thông thường từ học sinh tiểu học lớp 3 sẽ tự đi học một mình. Nghĩa là cha mẹ sẽ phải đồng hành đưa đón con đi học từ nhỏ cho đến khi học lớp 3.
Do vậy khả năng đưa đón con đi học là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng quyết định đến việc cho con học thêm.
Cha Mẹ nên cân nhắc xem mình có thể đưa đón con vào những thời gian nào, từ đó chọn ra những môn có thể phù hợp trong khung giờ đó, hoặc chủ động điều chỉnh thời gian đưa đón để phù hợp với các môn học của con nhé.
2. Tài chính dành cho việc học thêm
Khi cân nhắc việc học thêm cho con, học phí là một yếu tố quan trọng mà cha mẹ nên dự toán trước.
Cha mẹ nên ước lượng ra 1 mức dành cho khoản học tập, ví dụ như khoảng 5% thu nhập hàng tháng chẳng hạn. Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro lỡ chi tiêu quá mức cũng như áp lực kinh tế.
3. Điều quan trọng nhất khi chọn học
Trên hơn hết, khi cha mẹ quyết định cho con học gì thì hãy cùng thảo luận với trẻ: Tại sao con lại muốn học môn đó?. Đôi khi trẻ muốn học chỉ vì thấy bạn bè học, suy cho cùng thì có thể trẻ chưa thực sự hiểu hoặc thật sự chưa biết vì sao mình thích học môn đó.
Mặt khác, cha mẹ cũng nên tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: tại sao mình lại cho con học bộ môn đó? Việc kết hợp đặt câu hỏi ở cả con và cha mẹ, sẽ làm rõ được lý do rõ ràng vì sao chọn học môn này, môn kia.
Việc định hướng học tập dựa trên tính cách, sở thích, sở trường của con cái sẽ tạo tiền đề cho việc học được tiếp tục bền vững, giảm thiểu các rủi ro con nghỉ học giữa chừng vì không thích, hoặc con cái cảm thấy bị ép buộc khi học.
Vì tương lai của con, nhiều Cha Mẹ sẵn sàng hy sinh nhiều mặt về tài chính, thời gian để phục vụ quá trình đưa đón con đi học. Nhưng trên hơn hết, Cha Mẹ hãy thảo luận cùng con để xem con mình phù hợp với các môn nào, rồi hãy lên kế hoạch tài chính hoặc đưa ra ngân sách phù hợp với tình trạng kinh tế cũng như quỹ thời gian của gia đình nhé.