Mama Interview – “Mẹ sẽ luôn bên con” – Hành trình nuôi dạy con tự kỷ của mẹ đơn thân

Phỏng vấn
04.04.2024

Chị Vưu Nghênh Xuân, sinh năm 1988 , là mẹ của bé Đỗ Trí Luân (5 tuổi), một em bé đặc biệt được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ tăng động giảm chú ý. Bé nhận được kết luận cuối cùng từ bác sĩ khi hơn 3 tuổi, sau khoảng thời gian hoảng loạn và buồn bã ban đầu, chị Xuân đã dành trọn thời gian đọc các tài liệu nghiên cứu về bệnh của bé, tự mình xây dựng một giáo trình can thiệp để giúp bé tiến bộ từng ngày để đến hôm nay, bé Luân đã có thể đi học ở một trường mầm non với các bạn cùng lứa, cũng như vượt qua được chứng rối loạn vị giác, một vấn đề điển hình ở các bé rối loạn phổ tự kỷ. Là một Single Mom, một mình trải qua những điều tưởng chừng như có thể khiến một người mẹ ngã gục, chị vẫn luôn xuất hiện với một hình ảnh vui tươi, tích cực và xây dựng một kênh mạng xã hội để chia sẻ về hành trình cũng như phương pháp của mình đến với các bà mẹ khác cùng hoàn cảnh. Đến với cuộc trò chuyện cùng Hajimari Mom hôm nay, chị Xuân đã mang lại câu chuyện vô cùng đầy cảm xúc, các bạn cùng đón xem nha !

Được biết quá trình mang thai của chị không hề có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường kể cả khi sau khi sinh bé ra, vậy khi nào thì chị Xuân phát hiện ra bé Luân có dấu hiệu khác với những em bé khác ?   

Đúng vậy, Xuân đã trải qua một thai kì hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi được 18 tháng, bé vẫn chưa nói được từ nào và thường im lặng cả ngày. Đến 24 tháng, bé bắt đầu có những hành vi bất thường như quay vòng tròn, thích vật xoay tròn, đi nhón chân, hay cáu kỉnh… Bé cũng tự dưng trở nên biếng ăn, có khi cả ngày không ăn gì, chỉ uống nước hoặc nếu có ăn chỉ ăn cơm trắng và trứng. Khi ấy, Xuân cảm thấy rất lo lắng và đưa bé đi khám nhưng bác sĩ chỉ nói bé có dấu hiệu khủng hoảng, cần theo dõi thêm và hẹn đưa bé đi khám lại khi tròn 3 tuổi. Xuân vẫn cố gắng tự động viên mình rằng bé Luân chỉ chậm hơn các bé khác một chút.

Đến khi bé Luân 3 tuổi, Xuân dẫn bé Luân đi khám một lần nữa và chính thức nhận được kết luận của bác sĩ. Cảm giác vô cùng sụp đổ nhưng hơn bất cứ điều gì , nhưng Xuân biết điều mình cần tập trung đó là chuẩn bị một tinh thần mạnh mẽ để đồng hành cùng con trên chặng đường sắp tới.

Sau khi chấp nhận sự thật đó chị Xuân đã làm gì ?

Điều đầu tiên Xuân đã làm đó là cho bé đi học tại trường can thiệp. Thêm vào đó, Xuân dùng toàn bộ thời gian để tìm hiểu và đọc rất nhiều tài liệu nghiên cứu về căn bệnh phổ tự kỷ ở trẻ. Sau một thời gian, Xuân nhận ra phương pháp ở tường chưa phù hợp với con nên đã quyết định cho bé nghỉ ở nhà hoàn toàn và can thiệp theo cách riêng của mình.

Vậy cụ thể là chị Xuân đã áp dụng những gì cho bé ?


Sau quá trình quan sát, Xuân nhận ra rằng mỗi đứa trẻ đặc biệt đều sẽ có một giáo trình cho riêng mình . Các bé vốn dĩ rất khó để tập trung nên Xuân không thể dạy bé một cách cứng nhắc mà phải liên tục tạo các trò chơi để thu hút bé tương tác, đặc biệt Xuân sẽ nói bất cứ thứ gì liên quan đến hành động để bé dần dần hiểu được những điều xung quanh. Nếu các em bé bình thường sẽ có thể tự quan sát cuộc sống xung quanh từ bố mẹ, ông bà…để trang bị những kỹ năng sống cơ bản cho mình từ việc ăn uống, mặc quần áo… thì một em bé rối loạn phổ tự kỷ không thể làm những điều đó mà mình phải dạy tất cả, vì vậy mà Xuân như trở thành “một cái máy thuyết minh” cho Luân tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc sống. Xuân “lôi kéo” Luân vào mọi hoạt động cùng mẹ bằng một cách sinh động nhất có thể để tạo sự chú ý với con từ đó hướng dẫn cho con từng chút một.

Như chị Xuân có chia sẻ, thì mọi đứa trẻ rối loạn phổ tự kỷ còn gặp một vấn đề khá nan giải với các bậc cha mẹ là :  Rối loạn vị giác, hầu như các bé chỉ ăn đúng 1 loại thức ăn duy nhất suốt một thời gian dài, nhưng được biết, bé Luân hiện nay đã có thể ăn đa dạng các loại thức ăn, chị Xuân đã làm gì để giúp bé Luân vượt qua được chứng rối loạn vị giác?

Xuân nghĩ cảm giác muốn ăn sẽ bắt nguồn từ việc nhìn thấy món ăn đó ngon, ngửi thấy món ăn đó thơm nên sẽ nảy sinh cảm giác muốn ăn. Vì vậy Xuân giải quyết vấn đề từ khướu giác và vị giác cho bé trước. Giai đoạn đầu, Xuân cho Luân tập phân biệt mùi thơm và mùi hôi bằng cách cho con tiếp xúc với tất cả các mùi, đối với các mùi con thích thì con sẽ được dạy là “mùi thơm”, còn những mùi khiến cảm giác của con khó chịu thì Luân sẽ được dạy là “mùi hôi”.

Thêm vào đó, Xuân cố gắng “lôi kéo” bé cùng tham gia vào công việc nấu ăn của mình bằng cách kể những câu chuyện sinh động. Cho bé tiếp xúc với các nguyên liệu thực tế như : rau củ, thịt, cá… và tham gia vào quá trình nấu ăn hàng ngày của mẹ. Xuân cũng lưu ý tập trung vào những đồ ăn bé thích trước, xen kẽ từng ít một những đồ ăn khác vào để bé tập quen dần chứ không thể vội vàng ngày một ngày hai mà bắt bé có thể quen với nhiều loại đồ ăn cùng một lúc.

Sau khi bữa ăn hoàn tất, thì mẹ dọn một mâm cơm nóng hổi, và mẹ bắt đầu ăn trước. Khi thấy mẹ như vậy, ngày qua ngày Luân đã bắt đầu có những phản ứng tốt hơn với việc ăn uống. Điển hình là có một lần, khi thấy mẹ ăn cơm, Luân đã chủ động nói với mẹ :”Con ăn với” và sau đó có thể ăn một cách vô cùng ngon lành. Và cho đến bây giờ, sau hơn 1 năm Luân đã ăn được gần như tất cả món ăn như một em bé bình thường khác.

Chị Xuân có thể chia sẻ điều gì quan trọng nhất với chị khi nuôi dưỡng một em bé rối loạn phổ tự kỷ không ?

Nếu dạy một em bé bình thường cần kiên nhẫn 1 thì với bé tự kỷ, sự kiên nhẫn đó phải gấp 10, thậm chí 20 lần. Hành trình nuôi dạy bé sẽ có lúc khiến bố mẹ mệt mỏi, nhưng điều quan trọng là không bao giờ được quát tháo hay bạo hành bé. Bố mẹ cần kiên nhẫn 100%, bởi mọi thứ của bé đều chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Hãy chậm lại để đồng hành cùng bé bởi lẽ kiên nhẫn chính là nền tảng để xây dựng một mối quan hệ tin cậy và yêu thương giữa bố mẹ và con cái. Khi bé cảm nhận được sự kiên nhẫn và thấu hiểu, bé sẽ cởi mở hơn và hợp tác hơn trong quá trình điều trị và học tập.

Hajimari Mom được biết, chị Xuân có hẳn một kênh để chia sẻ với các mẹ hành trình của hai mẹ con vậy nguyên nhân gì khiến chị muốn chia sẻ hành trình này của chị với các mẹ khác ?

Nuôi dạy con tự kỷ là một hành trình đầy gian nan và thử thách. Xuân hiểu rất rõ những lo lắng và hoang mang mà các mẹ đang trải qua. Cho đến thời điểm hiện tại, sau bao khó khăn đã trải qua và chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của con,  Xuân nghĩ mình đã thành công trong việc hiểu được 1 em bé đặc biệt vì vậy Xuân muốn chia sẻ câu chuyện cũng như hành trình của mình, tạo dựng một cộng đồng nơi các bà mẹ có con tự kỷ có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và động viên nhau, để tiếp thêm cho nhau niềm tin mạnh mẽ rằng : “Rồi các con của mình đều sẽ ổn thôi! ”

Một ngày của chị Xuân thường diễn ra như thế nào ?

Dạo trước, khi Luân ở nhà hoàn toàn thì hầu như thời gian của Xuân sẽ tập trung vào Luân nhưng thời gian gần đây Luân đã có thể trở lại trường và hòa nhập cùng các bạn, một ngày của Xuân sẽ xoay quanh việc kinh doanh của mình khi con đi học và tập trung vào con khi Luân trở về nhà.

Hajimari Mom cảm ơn chị Xuân vì đã dành thời gian đến với buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc chị và gia đình luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc !!! 

follow me