Cuộc sống vùng cao – Trang phục của đồng bào dân tộc vùng cao Mộc Châu

Chuyên mục đặc biệt
15.12.2022

Việt Nam chúng ta gồm có 54 dân tộc anh em, chia theo ngôn ngữ thì có 8 nhóm. Dân tộc đông nhất là dân tộc Kinh, chiếm 86,2% dân số, tiếp đến là Tày, Thái… Và đồng bào dân tộc ít nhất là Brâu, Ơ Đu, và Rơ Măm. Mỗi đồng bào dân tộc lại có những nét đặc trưng về văn hóa riêng biệt, vì vậy đã tạo nên 1 Việt Nam tươi đẹp phong phú về nhiều mặt.

Tuy nhiên việc mỗi vùng đồng bào dân tộc lại có những đặc trưng riêng biệt, để ghi hết ra được những điều đó trong một bài viết là 1 điều không dễ dàng. Nên Hajimari Mom xin giới thiệu đến mọi người từng nét đặc trưng một. Và điều đầu tiên Hajimari Mom muốn giới thiệu đến các bạn đọc đó là nét văn hóa về trang phục của đồng bào vùng cao nguyên Mộc Châu.

Cao nguyên Mộc Châu là nơi tập chung của 12 dân tộc anh em. Vì vậy trang phục nơi đây cũng rất là phong phú. Tùy vào từng dần tộc mà lại có những trang phục khác nhau, thể hiện bản sắc, phong tục tập quán, quan niệm về cái đẹp… Ngoài ra trang phục không chỉ mang tính chất giới tính mà còn mang tính xã hội rất rõ rệt.

Vậy nên hãy cùng Hajimari Mom khám phá những nét đặc trưng của một số đồng bào dân tộc tiêu biểu đang sinh sống ở Mộc Châu – Sơn La nhé !!!

 

1. Trang phục của đồng bào dân tộc Thái

Đồng bào dân tộc Thái có dân số đứng thứ 3 trong tổng số 54 dân tộc anh em, đây cũng là lợi thế để người Thái có những bước phát triển vượt bậc, trong đó có trang phục. Một bộ trang phục của người Thái bao gồm : Áo cóm, váy nhung đen, thắt lưng, khăn piêu, xà cạp. Và đi kem trang phục thường là các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích.

Áo cóm là áo được may bằng vải lanh hoặc lụa, gắn cúc bướm trắng. Áo cóm truyền thống có màu trắng, nhưng ngoài ra tùy vào từng dịp như trang phục thường ngày hay ma chay, cưới hỏi thì chiếc áo cóm trắng cũng có thể thay thế bằng các màu sắc sặc sỡ khác nhau như màu đỏ hoặc màu vàng… Và theo quan niệm của người đồng bào dân tộc Thái, 2 hàng cúc bạc trên hai vạt áo tượng trưng cho sự kết hợp giữa nam và nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống, thêm nữa cúc bướm cũng khiến chếc áo trở nên đẹp mắt hơn.

Váy của người Thái được làm từ nhung hoặc vải sa tanh tạo cảm giác mềm mịn. Váy có màu đen xuông, gấu váy được thêu những đường nét tinh xảo. Khi mặc váy được quấn vào eo, tạo độ cong cho người phụ nữ. Khi quấn váy xong thì người đồng bào dân tộc Thái sẽ có thêm 1 cái thắt lưng được làm từ vải tơ tằm, hay sợi bông màu xanh lam hoặc màu tím thẫm, thông thường người con gái Thái thường thêu lên đó rất nhiều họa tiết để tạo điểm nhấn, thắt lưng bản to có chiều dài tầm 100 đến 150cm, chiều rộng khoảng 5 đến 7cm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo.

Cuối cùng không thể không nhắc tới đó là chiếc khăn piêu, với đường nét tinh sảo và hoa văn mang đậm chất núi rừng hoang sơ và màu sắc sặc sỡ thể hiên tình yêu, sức mạnh kiên cường của người con gái Thái.

 

2. Trang phục của đồng bào dân tộc H’ Mông (Mèo)

Trong chúng ta dù miền xuôi hay miền ngược, dù thành phố hay nông thôn thì chắc hẳn đã đều đọc qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài khắc họa 1 cách rõ nét và chân thật về cuộc sống của 1 cô gái tên Mị sống ở vùng Tây Bắc, và sau này có được chuyển thể thành phim. Và nếu ai đã xem bộ phim đó thì chắc hẳn đã quen thuộc với trang phục của các nhân vật. Và trang phục đó chính là của người H’ Mông hay còn có các gọi khác đó là người Mèo.

Người phụ nữ H’ Mông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực, không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy, váy là loại váy kín, nhiều nếp gấp rộng, khi xòe ra có hình tròn. Váy được mang trên người với chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở đoạn giữa, khi mang váy thường mang theo 1 miếng vải hình chữ nhật giống chiếc tạp dề, được mang trước bụng phủ xuống chân. Đi kèm với bộ trang phục là các đồ trang sức bao gồm : khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn. Và đặc biệt là bộ tóc dài quấn quay đầu là 1 điều không thể thiếu của người phụ nữ dân tộc Mông.

 

3. Trang phục của đồng bào dân tộc Dao

Trang phục truyền thống của người dao không quá rực rỡ, nhưng cũng không hề nhạt nhòa. Màu chủ đạo của trang phục người đồng bào dân tộc Dao là gam màu chàm pha lẫn sắc đỏ và hoa văn tinh tế đã tạo nên một bộ trang phục độc đáo.

Và để có được một bộ trang phục đẹp, người phụ nữ Dao đã phải trải qua nhiều công đoạn như trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm lá đến cắt may, thêu thùa… Trang phục truyền thống bao gồm : khắn vấn đầu, dây lưng, áo, váy. Áo của người Dao sẽ không có cúc mà chỉ có xẻ tà và quấn dây lưng, ở cổ áo đằng trước được sâu 1 số đồng bạc trắng từ 6 đến 9 đồng và đây cũng được coi là đặc trưng riêng của người đồng bào dân tộc Dao, thắt lưng của trang phục phụ nữ có màu đỏ pha trắng thể hiện sự gắn kết trong mối quan hệ giữa nam và nữ.

Hầu hết các người phụ nữ đồng bào Dao đều có thể tự may trang phục cho bản thân và gia đình. Do con gái Dao từ khi 8-10 tuổi đã được các bà, các mẹ và các chị chỉ bảo, truyền dạy lại cho cách thêu thùa trang phục của dân tộc mình. Bắt đầu học từ những bước thêu đơn giản với các họa tiết ở tay áo, viền áo… Khi đường kim mũi chỉ thành thạo cũng là lúc ngươi còn gái bắt đầu tự may trang phục cho mình.

 

4. Trang phục của đồng bào dân tộc Mường

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường về cơ bản gồm những yếu tố sau: Chiếc khăn trắng thắt trên đầu, người Mường gọi là bít trôốc (hoặc mũ), áo ngắn, có độ dài vừa chấm eo lưng, áo chùng, tương tự như áo ngắn nhưng được kéo dài xuống ngang đầu gối, phía dưới hơi xoè rộng, hai vạt áo buông tự do tạo cảm giác mềm mại (ngày nay thường chỉ thấy trong các lễ hội), yếm, váy, gồm hai phần chính là cạp váy và chân váy, cạp váy có màu sắc rực rỡ, được dệt rất công phu và là bộ phận nổi bật trên trang phục, bộ tênh (khăn thắt ở eo) và đồ trang sức (gồm: vòng bạc đeo tay, chuỗi hạt cườm và bộ xà tích).

Nguyên liệu làm ra vải, màu nhuộm đều được đôi bàn tay kéo léo của người phụ nữ Mường lựa chọn từ trong thiên nhiên, từ cỏ cây hoa lá gần gũi với cuộc sống thường ngày của họ. Về màu sắc, phụ nữ Mường không ưa những những màu sắc quá chói gắt, rực rỡ; có những bộ phận trong trang phục được quy định thống nhất về màu sắc. Chẳng hạn, váy phải là màu đen hoặc xanh đen, khăn thắt trên đầu phải là màu trắng, không bao giờ người phụ nữ Mường dùng màu khác với tập quán đó, song không vì thế mà trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường rơi vào tẻ nhạt, đơn điệu, bí quyết này nằm ở cách xử lý tinh tế về màu sắc trên áo ngắn, yếm, bộ tênh và nhất là màu sắc, hoa văn trên cạp váy.

Vậy là Hajimari Mom đã giới thiệu đến mọi người 1 số trang phục đặc trưng tiêu biểu của các đồng bao dân tộc vùng cao nguyên Mộc Châu. Giúp những bạn đang ở các vùng miền khác chưa có cơ hội để đi nhưng vẫn có thể thông qua bài viết tìm hiểu được những nét văn hóa của bà con vùng cao Mộc Châu. Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển dẫn đến việc các nét truyền thống văn hóa, đặc biệt là nét truyền thống về trang phục của các đồng bào vùng cao đang có nguy cơ bị mai một và ít dần đi. Chính vì vậy thông qua bài viết này Hajimari Mom cũng mong muốn rằng bà con nơi đây vẫn sẽ cố gắng giữ gìn những nét văn hóa riêng của dân tộc mình của cha ông mình để lại, bên cạnh sự phát triển của đất nước. Và Hajimari Mom cũng mong rằng các du khách gần xa đến với Mộc Châu cũng đừng quên khám phá và trải nghiệm nét đẹp về trang phục nơi đây nhé !!!

Bài Viết Liên Quan

follow me