Cuộc sống vùng cao – Trò chơi dân gian của trẻ em vùng cao

Chuyên mục đặc biệt
17.11.2022

So với trẻ em thành phố thì trẻ em nông thôn và đặc biệt là vùng cao còn khó khăn, thiệt thòi về rất nhiều mặt như : không được chơi game trên điện thoại thông minh, không có máy tính cá nhân để coi youtube, không có những khu vui chơi vui nhộn, nhiều màu sắc, không có những lớp học năng khiếu đàn ca, múa hát… Nhưng cái không bao giờ thiếu ở trẻ em vùng cao đó là “ Nụ cười “ luôn hiện hữu trên khuôn mặt và sự hòa mình với thiên nhiên giúp trẻ em nơi đây luôn tràn đầy sức sống.

Và để mọi người có thể hiểu rõ hơn về các trò chơi dân gian mà trẻ em vùng cao vui chơi, thì hôm nay Hajimari Mom sẽ giới thiệu đến mọi người thông qua bài viết về trẻ em vùng cao tại Mộc Châu. Một nơi mà vừa rồi đã được vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới nhưng vẫn là 1 tỉnh nghèo trên đất nước Việt Nam.

Vậy những trò chơi của trẻ em vùng cao Mộc Châu và trẻ em thành phố có gì khác nhau. Các bạn hãy cùng Hajimari Mom đọc hết bài viết để biết thêm về sự khác nhau đó nhé !!!

 

1. Trò chơi “Đánh Cù”

Trẻ em thành phố ngoài việc học ở trên trường thì các em còn phải đi học thêm. Khi kết thúc giờ học các em lại phải trở về nhà làm bài tập, cộng thêm ở thành phố nhà cửa san sát, ít có những bãi đất trống giành cho trẻ em vui đùa nên trẻ em thành phố thường chơi trong nhà, xem tivi hoặc chơi điện thoại.

Còn trẻ em vùng cao, việc học của các em có vẻ nhẹ nhàng hơn. Ngoài giờ học các em còn phải phụ giúp bố mẹ các việc trong nhà. Sau khi xong việc thì trẻ con trong xóm sẽ tập trung nhau lại để chơi các trò chơi dân gian. Trong đó có trò chơi Đánh Cù.

Nguyên liệu làm ra con cù là gỗ. Thường trẻ em nơi đây sẽ lên rừng, đốn 1 cây tầm bằng bắp tay hoặc to hơn tùy theo kích cỡ con cù muốn làm. Sau đó 1 phần làm củi để nhóm bếp nấu ăn, còn 1 khúc nhỏ sẽ đẽo, tiện thành con cù. Con cù được đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, tùy vào sở thích mà có thể đóng thêm đinh ở đầu nhọn. Còn phần trên đầu để 1 đoạn ngắn tầm 2cm như chiếc nắp phích pha trà để làm nơi quấn dây.

Khi chơi Đánh Cù, khu đất được chọn phải bằng phẳng. Trẻ em thường dùng dây mềm như : vải, dây sợi bông, dây xi măng, dây sợi gai… Quấn vô phần cổ và thân cù sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định. Khi văng cù, dây được đồng thời kéo mạnh ngược trở lại, tạo lực cho cù quay tít ở dưới mặt đất. Cù của ai quay lâu hơn sẽ là người thắng, hoặc các em sẽ chơi bổ cù vào nhau, khi bổ vào cù đối phương xong ai quay được lâu hơn cũng sẽ là người thắng cuộc.

2. Trò chơi “Đẩy Bánh Xe”

Trẻ em vùng cao còn nhiều khó khăn nên nơi đây chưa có nhiều trò chơi giải trí như trẻ em thành phố. Vì vậy các em phải tự nghĩ ra các trò chơi từ những vật dụng có sẵn trong cuộc sống như : lắp chai bia làm thành xùng xèng, thân bút bi khi hết mực thành robot… Ngoài những vật tái chế như đã kể trên thì các em còn tận dụng những lốp bánh xe đạp, xe máy bị hư để chở thành đồ chơi cho bản thân và các bạn đồng trang lứa.

Trò chơi Đẩy Bánh Xe giống như tên gọi. Là trò chơi lấy những bánh xe đã hỏng và bị người ta vứt đi. Chọn những nơi đất trống, con dốc hoặc 1 mảnh ruộng… Khi chọn xong địa điểm thì các em sẽ dựng bánh xe lên sau đó lấy tay đẩy cho bánh xe di chuyển. Ai đẩy nhanh nhất và bánh xe không bị đổ sẽ là người chiến thắng.

Ngoài việc đẩy bánh xe bằng tay thì tùy vào từng vùng các em có thể thay tay bằng những cây gậy nhỏ để tăng độ khó.

 

3. Trò chơi “Ném Bóng”

Nói đến bóng thì chúng ta có thể liên tưởng được đến những trái bóng để đá hoặc những trái bóng đầy màu sắc được bày bán tại những khu chợ ở nông thôn hoặc thành phố. Để trẻ em ở thành phố có 1 trái bóng thì quả thật là 1 việc rất chi là đơn giản.

Nhưng đối với trẻ em vùng cao, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc mua được quả bóng cũng chẳng hề đơn giản. Vì cuộc sống vùng cao vẫn còn khó khăn đến miếng ăn còn chưa đầy đủ chứ đừng nói đến việc mua sắm để chơi.

Vì vậy những người đồng bào sinh sống ở vùng cao đã lại tự làm ra những trái bóng tròn nhỏ từ vải, được may lại 1 cách cận thẩn bằng cả tấm lòng cho con em mình.

Cách chơi thì vô cùng đơn giản. Tham gia trò chơi gồm ít nhất là 2 người, nhưng thường khi chơi sẽ gồm 4 đến 6 người. Các bé sẽ đứng thành 2 hàng, đối mặt vào với nhau, sau đó sẽ tung lên cho người đối diện bắt. Nếu bắt không trúng thì sẽ bị thua cuộc.

 

4. Trò chơi “Leo Cây”

Ngày nhỏ chắc những thế hệ tầm 9X trở xuống đều có những kỉ niệm về việc leo trèo cây cối, hái trái cây nhà hàng xóm, xong bị chó đuổi… Đó chắc hẳn là những kí ức vui vẻ trong chúng ta khó có thể mà quên được. Còn hiện nay mọi thứ trở nên đầy đủ hơn nên những việc như vậy cũng ít dần đi.

Tuy nhiên ở vùng cao, trẻ em vẫn hòa mình vào thiên nhiên, leo trèo lên cây cối hái những loại trái cây ăn được, được mọc tự nhiên trong rừng như : sim, hồng, trái quất…

Và cách các bạn nhỏ nơi đây chơi đùa với cây là thi xem ai có thể trèo được cao nhất, hoặc các em sẽ chọn những cành cây chắc, dẻo dai để đu lên đu xuống.

 

5. Các trò chơi thường ngày

Ngoài những trò chơi đặc trưng ở trên, thì cũng giống như các vùng quê khác trên đất nước Việt Nam, các bạn nhỏ ở đây cũng chơi các trò chơi dân gian khác như là : ô ăn quan, nhảy dây, nhảy bước, bịt mắt bắt dê, đuổi bắt, kéo co, ô ăn quan, trốn tìm…

Và nếu để kể hết các trò chơi của trẻ em vùng cao thì chắc sẽ không kể hết được trong 1 bài viết vì qua nhiều thế hệ sinh sống ở vùng cao, từ thời ông cha đã để lại cho những đời sau rất nhiều trò chơi dân gian. Cộng thêm sự sáng tạo thêm của các bé dẫn tới ngày nay các trò chơi dân gian ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Những trò chơi của trẻ em vùng cao tuy đơn giản, không có nhiều đồ chơi màu sắc như trẻ em thành phố. Nhưng lại thể hiện được sự vui tươi của tuổi thơ và tình làng nghĩa xóm mà ở thành phố không dễ gì nhìn thấy được.

Thêm nữa tuy không đầy đủ về vật chất nhưng về tình thần thì ở trẻ em vùng cao không thiếu. Hajimari Mom mong rằng các em nhỏ vùng cao luôn vui tươi, hồn nhiên trải qua 1 tuổi thơ ấm áp. Và những trò chơi dân gian cũng sẽ không bị mai một mà sẽ giữ được gìn giữ mãi mãi cho đến các thế hệ sau này.

Bài Viết Liên Quan

follow me