Bố mẹ lăn tăn, Hajimari Mom giải đáp – Việc học võ liệu có tránh được bạo lực học đường ? Và vì sao Karatedo trở thành bộ môn Võ được nhiều cha mẹ lựa chọn cho con học ?

Phỏng vấn
22.04.2023

Karatedo là một môn võ thuật truyền thống của vùng Okinawa, Nhật Bản. Môn võ này trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới và được mọi người biết đến như một nghệ thuật chiến đấu không sử dụng vũ khí vô cùng hiệu quả. Người luyện tập Karatedo không chỉ học cách để trở thành một võ sĩ mà còn là một quá trình học cách từ bỏ những suy nghĩ và hành động thiếu thận trọng để bắt đầu một lối sống có kỷ luật hơn. Và trẻ em khi học bộ môn này, ngoài mục đích nâng cao thể chất, rèn luyện phản xạ nhanh nhạy còn được luyện tập một tinh thần kỉ luật, đoàn kết, tập trung cao độ. Karatedo dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân mình, giúp trẻ xây dựng sự tự tin, vượt qua nỗi sợ hãi , tránh rơi vào nạn nhân của bạo lực học đường, cũng như dạy trẻ cách đặt các mục tiêu trong cuộc sống, ý thức được việc bản thân phải cố gắng để hoàn thành những mục tiêu đó thông qua những kì thi lên đai.

 

Nhưng nên cho trẻ học Karatedo từ khi nào là thích hợp ? Cũng như đối với trẻ nhỏ thì cách học như thế nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất ??  … Rất rất nhiều vấn đề chúng ta phải cân nhắc khi quyết định cho trẻ học một bộ môn nào đó, có phải không ?

 

Vậy nên, để giúp bố mẹ có thể giải đáp những điều băn khoăn về bộ môn này.  Hôm nay Hajimari Mom đã có một buổi phỏng vấn với thầy Tuấn Anh, hiện đang là huấn luyện viên trưởng tại CLB Wakai Samurai , một sân chơi vô cùng lành mạnh và bổ ích cho trẻ em tại Vinhomes Central Park, TPHCM.  Với thời gian luyện tập Karatedo hơn 15 năm, từng đạt huy chương vàng cấp Thành Phố, cùng kinh nghiệm hơn 6 năm làm việc với vai trò huấn luyện viên cho các bé, thầy Tuấn Anh đã có những lời chia sẻ rất thú vị và thực tế về bộ môn này. Các bạn hãy cùng lắng nghe nhé !!

Chào thầy Tuấn Anh, được biết thầy đã tập luyện bộ môn Karatedo này từ rất sớm, không biết cơ duyên nào đã đưa thầy đến với bộ môn này ?

Chào Hajimari Mom, thật ra, từ nhỏ Tuấn Anh đã có hứng thú đặc biệt với những môn võ thuật, nhưng do điều kiện gia đình không cho phép nên mãi đến năm lớp 7 thì mình mới bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với Karatedo. Và do từ nhỏ đến lớn Tuấn Anh sống ở Bắc Ninh, chỉ tập luyện ở một trung tâm gần nhà với mục đích đơn thuần là thỏa mãn sở thích chứ không hề nghĩ đến định hướng gì cho tương lai. Đến sau khi tốt nghiệp lớp 12, lúc mình chuyển vô Tp.HCM học đại học, lại một lần nữa Tuấn Anh bén duyên với Karatedo khi được tập luyện cùng với thầy Năng, lúc bấy giờ là thầy chủ nhiệm của CLB Kazoku (tiền thân của CLB Wakai Samurai). Sau một thời gian dài hai thầy trò gắn bó với nhau, Tuấn Anh được thầy định hướng nghiêm túc hơn với bộ môn này, đồng thời có cơ hội cùng thầy đồng hành thành lập, phát triển Wakai Samurai như ngày hôm nay, thành một môi trường lành mạnh cho trẻ rèn luyện thể chất cũng như giúp trẻ nuôi dưỡng tính kiên trì, lòng nhiệt huyết với bộ môn này. Hiện tại, CLB Kazoku và Wakai Samurai vẫn đang được hoạt động song song với nhau gồm 25 cơ sở trên toàn địa bàn Tp.HCM.

Vậy thầy Tuấn Anh có thể giới thiệu rõ hơn về Wakai Samurai không ? Phương châm dạy ở trung tâm mình có gì đặc biệt ?

Đối với Wakai Samurai, mục đích đầu tiên cũng là tiên quyết chính là có thể tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các bạn nhỏ gắn kết với nhau. Hiện nay, do xã hội ngày càng phát triển, việc học của các bé mô hình chung cũng trở nên vô cùng áp lực, mà các hoạt động vui chơi sau giờ học của các bé đặc biệt là ở những thành phố lớn còn khá ít, thì sau một ngày mệt mỏi như thế, mình hy vọng có thể xây dựng một môi trường vừa có thể rèn luyện sức khỏe cũng như tinh thần cho bé, nhưng vừa có thể khiến bé giải tỏa được những áp lực trong học tập.

Đồng thời ở Wakai Samurai, ngoài Karatedo, là một câu lạc bộ tổng hợp các bộ môn võ của Nhật Bản. Vì vậy, ngoài việc dạy võ đơn thuần, các huấn luyện viên luôn cố gắng hướng các bé đến những đức tính tốt của người Nhật thông qua việc truyền đạt những văn hóa thú vị ở Nhật Bản. Nhờ vậy mà các giờ học cũng trở nên vui vẻ và hứng thú hơn rất nhiều.

Theo đuổi bộ môn này lâu như vậy thì thầy có thể chia sẻ về điểm đặc biệt của bộ môn Karatedo so với các môn võ khác không ? Tinh thần chính của bộ môn này là gì ?

Thật ra, ngoài Karatedo mình cũng có trải nghiện tập luyện và thi đấu qua những môn võ khác như Taekwondo, Vovinam, Kendo, Judo,… Và mình thấy rằng mỗi môn võ đều có một điểm hay riêng, nên việc xác định mục tiêu khi tập quan trọng hơn là việc tập môn gì. Ví dụ mình tập võ để bảo vệ bản thân, hay rèn luyện sức khỏe…

Riêng Karatedo, thì khi tập luyện trong thi đấu có một điểm mà tất cả các học viên phải lưu ý rất là đặc biệt đó là : “ Khống chế lực trong những đòn đánh”, có nghĩa là các bạn sẽ được học cách để tấn công quyết liệt, đánh trúng được đối thủ để ghi điểm nhưng đồng thời cũng phải luôn giữ được sự kiểm soát với suy nghĩ ra đòn làm sao để không gây tổn thương tới đối thủ – đó là phương châm cốt lõi của môn võ Karatedo. Vì vậy mà khi luyện tập có thể mình bị chấn thương nhiều lần, nhưng đặc biệt khi thi đấu thì mình chưa bao giờ bị gặp tình trạng bị chấn thương. Đó cũng là tinh thần Karatedo mà mình rất thích.

Phần lớn phụ huynh sẽ bắt đầu cân nhắc đến việc cho con đi học các bộ môn ngoại khóa như võ thuật từ lứa tuổi tiểu học. Nhưng theo thầy Tuấn Anh, độ tuổi lý tưởng để các bé có thể bắt đầu học môn võ Karatedo là khi nào ?

Thật ra thì việc tập luyện võ thuật không đơn thuần chỉ là việc học những động tác mà chúng ta thường thấy. Mà chính trong quá trình học cùng các bạn , anh chị trong lớp còn giúp các con rất nhiều trong việc hình thành cách cư xử thích hợp trong một môi trường tập thể, phân biệt được rõ ràng lúc học lúc chơi, và sự nghiêm túc trong lúc học phải thể hiện ra sao. Đồng thời, lối tư duy về những đức tính tốt đẹp như sự đoàn kết, tính kỉ luật của một võ sư sẽ được nuôi dưỡng một cách tự nhiên trong tiềm thức của trẻ.

Vì vậy theo Tuấn Anh,  nếu các bé được bắt đầu từ sớm hơn , tầm khoảng 3 tuổi thì sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển toàn diện cả thể chất lần tinh thần. Và đương nhiên, ở lứa tuổi này sẽ có những bài tập riêng, tập trung tối đa phát triển về thể chất phù hợp với khung xương cũng như thể lực của bé. Và khi các con đã có một nền tảng thể chất tốt cùng một tinh thần tập trung nhất định rồi thì việc luyện tập những động tác kĩ thuật khó cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Đối với Tuấn Anh, điều quan trọng nhất trong việc tập võ không phải là mình đã lên được đai nào, mà chính là mỗi ngày luyện tập mình đã cố gắng như thế nào.

Cụ thể những bài tập thể lực mà Wakai Samurai sẽ luyện tập cho các bạn nhỏ là như thế nào ?

Thường thì ở giai đoạn đầu, các bé sẽ được tập luyện các bộ môn như : chạy bức tốc – giúp tăng tốc độ chạy, cũng như phản xạ hoặc tập các bài tập để phát triển cơ như hít đất, nhảy xổm … Và những bài tập ép dẻo để giúp cơ thể linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, chắc chắn không thể thiếu việc tập luyện các tư thế võ như đấm, đá … Sau khi cứng cáp hơn, thì các bé sẽ được luyện tập những kĩ năng tự vệ cơ bản như cách xử lý thích hợp khi bị người ta ôm, nắm tay, kéo tóc , xô đẩy… Việc lặp đi lặp lại những kĩ năng này sẽ tạo một phản xạ cơ thể tự nhiên, để khi các bé vô tình huống cụ thể thực tế thì có thể xử lý một cách linh hoạt.

Vậy các bé sẽ mất trung bình khoảng thời gian bao lâu mới có thể tạo cho mình cái gọi là “phản xạ tự nhiên của cơ thể” ?

Nếu nói về việc mất thời gian bao lâu thì sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tính cách của từng bé, ví dụ những đối với những bé có sự tập trung cao, kiên trì tập luyện 1 động tác nhiều lần thì thời gian hình thành phản xạ khá nhanh, chỉ mất một đến hai tháng là có thể thấy được sự chuyển động linh hoạt của cơ thể hơn nhiều rồi. Còn đối với những bé hiếu động hơn, dễ bị nhàm chán khi tập một động tác nhiều lần thì các huấn luyện viên sẽ phải bố trí bài tập dàn trải xen kẽ nhiều động tác một lần hơn, do vậy thời gian tập luyện để quen dần với các động tác cũng kéo dài hơn, thì sẽ mất tầm ba đến bốn tháng để các bé có thể hình thành phản xạ.

Thầy Tuấn Anh có thể giới thiệu sơ qua các cấp bậc trong Karatedo để các phụ huynh có thể hình dung sơ lược được quá trình học của các bé không ?

Hiện tại, đối với Karatedo thì có tổng cộng 10 cấp đai tất cả lần lượt từ cơ bản đến nâng cao : đai trắng – thường cấp độ này thì đối với các bạn nhỏ sẽ mất tầm 1 tháng, sau khi biết cách tự chuẩn bị trang phục, và nắm được vài nguyên tắc cơ bản trong Karatedo thì sẽ được trung tâm cấp đai trắng. Còn những cấp bậc còn lại, thì mỗi quý liên đoàn thể thao đều tổ chức các cuộc thi lên đai tiếp theo như : đai vàng, cam, xanh lá, xanh dương , đỏ , tím , nâu nhạt , nâu đậm và cuối cùng là cấp độ cao nhất là đai đen. Đối với các bạn nhỏ thì sẽ mất tầm năm đến sáu năm để chinh phục được tất cả các cấp độ đai này. Còn các bạn lớn hơn, quá trình tiếp thu và luyện tập nhanh hơn thì thời gian chỉ tầm 2 đến 3 năm là có thể “chinh phục” được các cấp độ.

Thông thường một tiết học của các bé sẽ kéo dài khoảng bao lâu ? Và làm cách nào để thầy Tuấn Anh có thể tạo được sự hứng thú cho các bạn nhỏ trong suốt tiết học đó ?

Một tiết học ở trung tâm thường sẽ kéo dài 1 tiếng. Và trong suốt 1 tiếng đó, nếu cứ tập hoài 1 động tác thì các bé sẽ dễ sinh ra tâm trạng nhàm chán, vì vậy các tiết học ở Wakai Samurai có một nguyên tắc là mỗi động tác sẽ không tập quá 10’ mà sẽ được đan xen các bài tập với nhau trong suốt một tiết học. Cái quan trọng là những buổi tập đó sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần và sau một thời gian thì vẫn đảm bảo được việc hoàn thành tốt các động tác kĩ thuật ấy.

Theo thầy Tuấn Anh, Với Karatedo , trẻ có cần phải có năng khiếu hoặc tố chất gì để theo đuổi bộ môn này không ?

Bản thân mình thì cảm thấy điều quan trọng nhất với tất cả các bộ môn không phải là năng khiếu mà là sự kiên nhẫn. Vì dù lựa chọn theo đuổi bất cứ thứ gì thì cũng sẽ gặp những khó khăn riêng mà cho dù bé có năng khiếu đi nữa nhưng không kiên nhẫn đứng dậy mỗi lần vấp ngã thì sẽ không thành công được. Ngược lại, có những bé có thể không có năng khiếu bẩm sinh, nhưng lại đam mê và kiên trì với sự lựa chọn với mình thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Vì vậy, cái cần nhất ở một người huấn luyện viên là phải biết cách động viên các bé , khen ngợi khi các bé hoàn thành tốt, và góp ý khi các bé chưa làm tốt chứ tuyệt đối không chê bai các bé. Hướng dẫn các bé cách tư duy để giải quyết vấn đề chứ không dừng lại ở cảm xúc tiêu cực là “mình không tốt bằng các bạn nên mình không hoàn thành được động tác”.

Còn về phía phụ huynh, bố mẹ có thể giúp gì để quá trình học của bé được tốt hơn ?

Ở Wakai Samurai, thì các huấn luyện viên sẽ rất thường xuyên chia sẻ, trao đổi với phụ huynh suốt quá trình học của con để bố mẹ hiểu được con đã học được gì ở lớp cũng như những vấn đề mà con đang gặp phải. Có thể hôm nay, con còn hiếu động, không tập trung vào bài học nên tập chưa tốt thì bố mẹ có thể thông qua lời chia sẻ của thầy mà hỗ trợ thầy động viên con, tiếp thêm cho con động lực để con có thể làm tốt hơn trong những lần tiếp theo. Vai trò của phụ huynh thật ra rất quan trọng trong việc tạo động lực cho con kiên trì đến lớp mỗi ngày, nhất là mỗi khi con làm chưa tốt, không nên trách móc hay so sánh bé với các bạn cùng khóa , rất dễ làm bé cảm thấy tổn thương và sinh ra tâm lý chán học. Mà thay vào đó, hãy an ủi con, cùng con cố gắng vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng cách động viên con bằng những câu tích cực như là : “Hồi xưa mẹ cũng từng thất bại nhiều lắm, nhưng sau khi cố gắng cuối cùng mẹ cũng làm được đấy ! Mẹ tin rồi con sẽ làm được thôi. Lần sau, mẹ với con cùng tiếp tục cố gắng nhé !!! “ …

Trong tất cả những học viên thầy Tuấn Anh đã từng tiếp xúc và dạy, thì đã từng có một trường hợp nào đặc biệt hay chưa ? Ví dụ bé tự kỉ, hay quá nhút nhát…

Thật ra, trong quá trình đi dạy, Tuấn Anh cũng đã có cơ hội dạy rất nhiều các bé tự kỉ rồi và bản thân Tuấn Anh thấy các bé tự kỉ hoàn toàn có thể tập rất tốt bộ môn này, tuy nhiên thời gian đầu, mình phải dành nhiều thời gian cũng như kiên nhẫn hơn khi giao tiếp với các bé. Khi bắt đầu có sự kết nối giữa thầy và trò rồi, thì các bé có thể hoàn toàn hòa nhập vào môi trường tập luyện cùng các bạn khác và hoàn thành tốt các bài tập.

Theo thầy, việc cho trẻ học võ Karatedo sẽ mang lại những lơi ích gì cho bé ngoài những lợi ích thông thường mà ai cũng biết như rèn luyện thể lực hay phản xạ nhanh nhạy linh hoạt ?

Thật ra riêng đối với các bộ môn võ, việc tập luyện 1 mình rất khác biệt so với khi đến lớp tập chung với các bạn. Vì khi tập luyện chung với các bạn ở trong lớp, ngoài những động tác võ thuật thì các bé sẽ được rèn luyện tính kỉ luật khi ở trong một môi trường tập thể, cách những người “đồng đội anh em” động viên, giúp đỡ lẫn nhau như thế nào.. Dần dần, các bé sẽ hiểu được rằng việc luyện tập võ thuật, để giúp chúng ta trở nên tốt hơn mỗi ngày, có thể tự bảo vệ được bản thân mình hay bảo vệ những người thân yêu chứ không phải để ăn hiếp những người yếu thế hơn.

Hajimari Mom cảm ơn thầy Tuấn Anh rất nhiều vì những chia sẻ vô cùng thực tế và thú vị. Chúc thầy Tuấn Anh và CLB Wakai Samurai sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

 

 

Bài Viết Liên Quan

follow me