Mama Interview – Mẹ giảng viên trải lòng : Trước khi là người thầy của các con, thì hãy là người bạn của các con.

Phỏng vấn
19.11.2022

“Chấp nhận những điểm mạnh, điểm yếu của con; chấp nhận tố chất của con để cùng đồng hành với con tốt hơn. Trước khi là người thầy của các con, hãy là người bạn của các con” – Đó là những chia sẻ của chị Lê Thị Thanh Huyền – Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.

Chị Lê Thị Thanh Huyền, sinh năm 1981 – Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Tài chính Ngân hàng – Cử nhân, Thạc sĩ ngành Giảng dạy Tiếng Anh. Sau 15 năm kết hôn với anh Tuấn – cùng là giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, hiện tại đang là phụ huynh của 2 bé trai 13 tuổi và 9 tuổi đã có những chia sẻ rất thực tế về hành trình nuôi dạy con của mình.

Cả hai vợ chồng đều là giảng viên, có kinh nghiệm dạy học nhiều năm, khi có hai bé, chị Huyền có gặp khó khăn gì trong quá trình nuôi dạy các bé không ?

Không phải chỉ với gia đình mình, mà với bất kì gia đình nào thì việc nuôi dạy con cái là công việc quan trọng nhất và khó khăn nhất đối với các bậc làm cha làm mẹ; đặc biệt là các con đang sống trong một giai đoạn mà xã hội vẫn hay nói đến, đó là “vượt sướng khó hơn vượt khổ”. Làm thế nào để các con có được định hướng tốt trong một xã hội có quá nhiều sự cám dỗ quả thật là một công việc không dễ dàng. Nhưng ở góc độ nhìn nhận của cá nhân, mỗi gia đình một hoàn cảnh, để có thể giải quyết tốt những vấn đề đang tồn tại trong việc dạy con, điều đầu tiên bậc làm cha làm mẹ phải học được đó là hai chữ ‘chấp nhận’. Chấp nhận những điểm mạnh, điểm yếu của con, chấp nhận tố chất của con để cùng đồng hành với con tốt hơn. Không thể nói trong việc dạy trẻ phương pháp nào là tốt nhất, chỉ là phương pháp nào phù hợp nhất với con mình mà thôi. Cái quan trọng nhất là con cái của chúng ta ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua.

Được biết, chị Huyền sống cùng gia đình chồng, là một gia đình truyền thống gốc Bắc, vậy chị có gặp khó khăn gì trong quá trình sống cùng mẹ chồng không? Và chị đã vượt qua điều đó như thế nào ?

Đối với bất kỳ gia đình nào, sự khác biệt về lối sống giữa các thế hệ luôn tồn tại, đặc biệt là với một gia đình có truyền thống gốc Bắc như gia đình mình. Cả cuộc đời bố mẹ đã quá quen thuộc với lối sống truyền thống của ngoài Bắc, bây giờ bắt bố mẹ hài hòa với lối sống mới, tư duy mới, xã hội mới, quả thật bản thân mình thấy đó là điều quá sức với bố mẹ. Trải qua một số thăng trầm, bản thân mình thấy, để cân bằng các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt với bố mẹ chồng, thì con cái nên tạo điều kiện tốt nhất cho bố mẹ sống gần con cháu để tiện chăm sóc và bố mẹ được nhìn thấy con cháu mỗi ngày. Nhưng bên cạnh đó, con cháu nên tận dụng các nguồn lực có thể để bố mẹ có một môi trường sống riêng. Tuyệt đối tôn trọng các ý kiến bố mẹ, nhưng cũng sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với bố mẹ để tìm ra giải pháp tốt nhất cho tất cả các khúc mắc.

Vậy khi sống gần gia đình chồng như vậy, có sự khác biệt giữa các thế hệ thì chị Huyền và gia đình chồng có gặp phải mâu thuẫn trong việc nuôi dạy các bé không ?

Trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, mâu thuẫn trong quan điểm về việc nuôi dạy con cháu vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất. Về góc nhìn của mình, cuộc sống luôn thay đổi chóng mặt. Cho nên để bắt kịp quy luật phát triển của cuộc sống, phương pháp nuôi dạy con cái cũng không là ngoại lệ. Khi một thế hệ đã gắn bó quá lâu với một hệ tư duy trong suốt cuộc đời mình thì gần như sự thay đổi trong cách nhìn là không thể. Chính vì thế vợ chồng mình xác định là không cố gắng thay đổi tư duy của bố mẹ, mà đối tượng vợ chồng mình cố gắng để tác động và thay đổi là hai đứa con của mình “cái gì các con xứng đáng được nhận, cái gì các con cần phải nỗ lực …”. May mắn là vợ chồng mình có cùng quan điểm về dạy con, đó là dù có đang sống ở thời đại nào đi chăng nữa thì tính kế thừa cũng luôn luôn hiện hữu. Ở đó, các con luôn tôn trọng ông bà tổ tiên, tôn trọng người lớn tuổi, … thì ở đó gia đình mới bền vững.

Hajimari Mom được biết, kể cả sau khi kết hôn, chị vẫn tiếp tục học lên để lấy bằng Tiến sĩ, động lực nào để chị có thể tiếp tục đi học khi bận rộn như vậy?

Trong tất cả mọi lĩnh vực, việc đi đến được một cái đích nào đó, không thể thiếu yếu tố đam mê. Mình rất cảm ơn ông xã và gia đình bố mẹ nội ngoại đã luôn là hậu phương vững chắc, kể cả trong những lúc mình cảm thấy yếu đuối nhất và có thể buông bỏ, để có thể hoàn thành đam mê của mình. Và một động lực thúc đẩy khác, bản thân mình cũng muốn là một tấm gương cho hai đứa con trai của mình.

Kết hôn với anh xã đã 15 năm, một chặng đường không hề ngắn, chị Huyền có thể chia sẻ một chút về cuộc hôn nhân của mình không ?

Gia đình nào cũng sẽ có những lúc sóng gió, những lúc trở trời và gia đình mình cũng không ngoại lệ. 15 năm là một chặng đường, đôi lúc nhìn lại, để đến được cái đích này, thật sự là một hành trình không dễ dàng. Một vài dòng tâm sự không thể nói hết tất cả được những câu chuyện, nhưng hành trình 15 năm qua, luôn là sự đồng hành của cả hai vợ chồng mình và ở đó luôn có sự đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương. Và khi bản thân mỗi cá nhân đều nghĩ rằng mình sống cho gia đình, cho các thành viên khác nhiều hơn thì mọi việc sẽ đơn giản đi rất nhiều.

Vợ chồng đều là giảng viên, công việc vốn dĩ gắn liền với việc dạy học cho những thế hệ mới cho xã hội. Vậy quan điểm dạy con của gia đình mình là như thế nào ?

Bản thân mình và ông xã đều làm nghề giáo, mình luôn tâm niệm rằng kiến thức là một kho tàng vô tận và không ngừng thay đổi mỗi ngày. Nên dù có bận rộn, mình luôn dành thời gian để đọc hoặc nghe rất nhiều kênh nói về phương pháp giáo dục con trẻ. Mình và ông xã luôn tự nhủ :“ Không có phương pháp giảng dạy tốt nhất, chỉ có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất.” Nên khi tham khảo nguồn kiến thức từ các chuyên gia, mình sẽ lựa chọn những cách phù hợp với các con và áp dụng. Bản thân mình và ông xã luôn nghĩ “trước khi là người thầy của các con, thì hãy là người bạn của các con.” Trong các sự việc hàng ngày, mình chọn phương pháp ‘mưa dầm thấm lâu’ phân tích một cách tự nhiên nhất, nhẹ nhàng nhất cho các con thấy được đúng sai, và trong các tình huống cụ thể để bản thân các con phải cư xử như thế nào cho đúng quy luật tự nhiên nhất. Và hơn tất cả, mình luôn truyền đạt thông điệp cao cả nhất đến các con, đó là : Trung thực và tôn trọng.

Hajimari Mom được biết, anh chị ngoài việc giảng dạy ở trường đại học, mình cũng có mở những lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em, anh chị có thể chia sẻ với các mẹ bỉm khác việc dạy tiếng Anh cho các bé không ?

Điều đầu tiên, mình chân thành cảm ơn Hajimari Mom trong suốt buổi phỏng vấn đã đưa ra những câu hỏi rất thiết thực và trọng tâm. Đây cũng là câu hỏi đang rất đau đầu cho các bậc phụ huynh và cũng đang là vấn đề gây tranh cãi không có hồi kết của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Bản thân mình và ông xã đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhận thấy, tiếng Anh cũng như là việc phát triển ngôn ngữ của các bé, càng cho các bé tiếp cận sớm thì càng thuận lợi cho các bé hơn, đặc biệt là việc phát âm. Các chuyên gia đầu ngành cũng đã khẳng định, nếu như việc học ngoại ngữ quá trễ sẽ rất khó tiếp cận đến việc phát âm tự nhiên và chuẩn xác như người bản xứ. Và khi chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, vô cùng thuận tiện cho các con tiếp cận với việc học ngoại ngữ thì tại sao chúng ta lại không cho các con bắt đầu sớm.

Mình hoàn toàn đồng ý với việc cho các con bắt đầu học tiếng Anh sớm. Mình chỉ muốn lưu ý đến một chi tiết, đó là cho các con học ở đâu và học như thế nào? Theo góc nhìn của mình về lĩnh vực này, không có trung tâm nào là tốt nhất, không có phương pháp nào là tốt nhất, mà chỉ có trung tâm và phương pháp dạy và học phù hợp nhất mà thôi. Hiện nay, với sự giúp đỡ của công nghệ và Internet, mình không thấy có quá nhiều sự khác biệt giữa giáo trình và công nghệ giảng dạy. Mình chỉ lưu tâm đến hai yếu tố để ba mẹ có thể chọn được một môi trường học phù hợp nhất cho các con, đó là: Cái tâm nghề nghiệp và phương pháp cũng như kinh nghiệm giảng dạy của trung tâm đó.

Nếu có một câu nói muốn gửi tới các bà Mẹ đang nuôi con nhỏ thì chị Huyền muốn nhắn gửi điều gì? 

Từ quan điểm cá nhân, mình chỉ muốn truyền tải một thông điệp đến các mẹ bỉm, đó là: “Hãy cùng các con hướng đến một cuộc sống hạnh phúc chứ không phải cuộc sống của những danh hiệu”. Mong các mẹ có một hành trình làm mẹ thật hạnh phúc!”

Hajimari Mom cảm ơn chị Huyền đã dành thời gian để cùng chia sẻ với các độc giả về suy nghĩ, cuộc sống của mình. Chúc chị Huyền và gia đình luôn hạnh phúc, vui vẻ và thành công.

Bài Viết Liên Quan

follow me