Mama Interview – Mẹ đơn thân và hành trình nuôi con hoàn toàn không đòn roi

Phỏng vấn
08.11.2022

“Sau khi trải qua nhiều biến cố, Mỹ luôn tâm niệm rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là chúng ta phải được là chính mình và có thể cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, Mỹ chưa bao giờ dùng lời lẽ mắng nhiếc nặng lời hay đòn roi để dạy con vì Mỹ luôn tin rằng tình yêu thương thật sự là cách giáo dục hiệu quả nhất.” – Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Mỹ về hành trình làm mẹ đơn thân của mình từ khi con vừa tròn 2 tháng tuổi.

Chị Nguyễn Hồng Mỹ, sinh năm 1985, tốt nghiệp Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại, hiện đang là Trợ lý Giám Đốc tại một công ty Nhật Bản ở Tp.HCM. Làm mẹ đã khó, làm mẹ đơn thân còn khó hơn gấp trăm lần, nhưng bất kể ai tiếp xúc với chị Hồng Mỹ đều cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ chị. Với hành trình làm mẹ đơn thân gần 10 năm, chị Hồng Mỹ đã mang đến Hajimari Mom những chia sẻ cực kì thú vị.

Chào chị Hồng Mỹ, ai cũng hiểu mẹ đơn thân là một con đường chưa bao giờ dễ dàng. Trong hành trình đó, điều gì làm chị nhớ nhất?

Trong hành trình này, ở mỗi thời điểm đều sẽ có những khó khăn riêng nhưng với Mỹ có lẽ kí ức không bao giờ có thể quên được là thời điểm vợ chồng mình quyết định ly hôn, bắt đầu chặng đường làm mẹ đơn thân. Thời điểm đó, Mỹ có cảm giác mình mất đi tất cả mọi thứ từ một người đồng hành mà mình ngỡ sẽ ở bên cạnh suốt cả quãng đời còn lại, cho đến con đường sự nghiệp trước mắt. Có một khoảng thời gian, Mỹ rơi vào tình trạng trầm cảm, vô cùng hụt hẫng không còn muốn cố gắng bất kì điều gì nữa nhưng khi nhìn đứa con còn đỏ hỏn trên tay, khóc oe oe đòi mẹ, Mỹ dường như bừng tỉnh và nhận ra rằng “cuộc sống của mình phải được tiếp tục, bằng một cách tươi đẹp nhất vì trên cuộc đời này thật sự đã xuất hiện một người xem mình là cả thế giới”.

Sau khi vực dậy được tinh thần, Mỹ suy nghĩ mình phải xây dựng cho con một nền tảng thật tốt trước khi con bước vào lứa tuổi đi học, vì thế mà Mỹ đã lên kế hoạch cụ thể cho tương lai của mình và ra một quyết định thật sự rất khó khăn, đó là để con lại ở quê, vào Sài Gòn tiếp tục lập nghiệp và nhất định sẽ ổn định để sống cùng con trước khi con bước vào lứa tuổi đến trường.

Và khi đó, nhờ vào sự hỗ trợ hết mực của gia đình, Mỹ đã có thể khăn gói lên Sài Gòn một mình, quyết tâm làm lại từ đầu. Mỹ bắt đầu lao vào công việc, tập trung phát triển sự nghiệp của mình, không chỉ làm một công việc chính, Mỹ tranh thủ cả thời gian buổi tối để nhận thêm việc, vừa có thể nâng cao chuyên môn, vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Nỗi nhớ con da diết mỗi ngày như động lực khiến Mỹ làm liên tục và không biết mỏi mệt. Phía sau cuộc gọi về cho con mỗi tối hay mỗi lần về thăm con cuối tuần là nỗi đau đáu về tương lai 2 mẹ con đoàn tụ lại được nhen nhóm. Đến tận bây giờ, Mỹ vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh khi cuối tuần về thăm con rồi phải trốn con lên lại thành phố để làm việc vào mỗi tối chủ nhật. Con thì khóc không ngừng vì bám mẹ, mẹ dù đau lòng như đứt từng đoạn ruột vẫn phải lên xe về lại thành phố, tiếp tục đi làm.

Hay những lúc nghe tin con bị bệnh, dù tay chân run rẩy, tim đập loạn xạ vì lo lắng, cũng phải cố gắng làm việc cho đến hết ngày rồi mới dám xin sếp nghỉ phép chạy ngay về với con trong đêm.

Cũng có những thời điểm vừa mệt mỏi, vừa nhớ con, Mỹ đã khóc rất nhiều, tưởng như mình sẽ bỏ tất cả để về lại với con nhưng nghĩ đến tương lai trước mắt Mỹ lại gạt hết mọi cảm xúc, chỉ nghĩ đến mục đích cuối cùng của mình mà cố gắng.

Vậy sau bao lâu thì “Giấc mơ đoàn tụ” của hai mẹ con được thực hiện? Và khi thật sự sống chung với bé Nhi thì cuộc sống của chị Hồng Mỹ đã thay đổi như thế nào?

Thật may mắn khi vừa đúng thời điểm bé Nhi bước vào 6 tuổi, Mỹ đã dành dụm đủ số tiền để có thể bắt đầu mua một căn chung cư nhỏ và xây dựng một cuộc sống mới cùng với con mình ở Sài Gòn. Khi quyết định đón con về ở cùng, cuộc sống của Mỹ dường như thay đổi hoàn toàn, Mỹ giảm bớt công việc lại để có thời gian dành cho con. Sau mỗi giờ làm việc là lại lao về nhà để chuẩn bị cho con những bữa cơm thật ngon, dọn dẹp nhà cửa, có thời gian rãnh là mẹ con lại cùng nhau đi khắp nơi. Thời gian của Mỹ như bị thu hẹp lại nhưng Mỹ cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự khi được bên con mỗi ngày, chứng kiến từng giai đoạn trưởng thành của con. Cho đến bây giờ Mỹ luôn nghĩ nỗi vất vả trong 6 năm đầu tiên thật sự quá xứng đáng.

Qua những câu chuyện vừa rồi, Hajimari Mom cảm thấy chị Hồng Mỹ là một người thật giàu nghị lực và mạnh mẽ. Chị có thể chia sẻ về quan điểm và định hướng của chị trong cách dạy con không? Khi dạy con chị quan trọng nhất điều gì?

Sau khi trải qua nhiều biến cố, Mỹ luôn tâm niệm rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là chúng ta phải được là chính mình và có thể cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, Mỹ chưa bao giờ dùng lời lẽ mắng nhiếc nặng lời hay đòn roi để dạy con vì Mỹ luôn tin rằng tình yêu thương thật sự là cách giáo dục hiệu quả nhất. Mỗi đứa trẻ đều là một trang giấy trắng, khi chúng ta vẽ lên đó tình yêu thương thì nhất định cũng sẽ nhận lại được tình yêu thương. Có lẽ là vì vậy mà Nhi rất tình cảm và thích trò chuyện với mẹ, nên thời gian cuối ngày luôn là khoảng thời gian hai mẹ con sẽ nằm tỉ tê với nhau mọi chuyện. Với Mỹ, Nhi như một người bạn nhỏ có thể chữa lành mọi thứ tất bật mệt mỏi ở ngoài xã hội, nên Mỹ cũng luôn cố gắng để trở thành một “người bạn lớn” để con có thể dựa vào mỗi khi cần. Khi lắng nghe câu chuyện của con, Mỹ sẽ không áp đặt con phải thế này mới tốt hay thế kia mới giỏi, mà sẽ gợi ý bằng những câu giả định như “Nếu mẹ là Nhi, chắc là mẹ cũng cảm thấy như vậy, nhưng mà mẹ sẽ làm như này này…Mẹ nghĩ nếu lần tới Nhi thử làm như vậy có khi sẽ tốt hơn đó. Nhi nghĩ sao?”

Mỹ đã mất 6 năm đầu đời không thể ở cạnh con, nên giờ đây Mỹ luôn tự nhủ mình phải kiên nhẫn hơn với con. Mỗi lần con phạm lỗi, dù không lớn tiếng la mắng nhưng sẽ dùng thái độ dứt khoát và lời lẽ nghiêm khắc để giải thích cho con về sai lầm đó, phạt con bằng những cách khác nhau, đồng thời chia sẻ về cảm giác của Mỹ đối với hành động của con bằng những câu nói cụ thể như “Vì mẹ rất thương yêu con, nên hôm nay khi thấy con không ngoan, mẹ cảm thấy rất buồn, Nhi của mẹ vốn là một em bé ngoan đến vậy mà”. Sau đó, Mỹ sẽ cho con thời gian nhất định một mình để suy nghĩ về hành động đó. Có lẽ vì phải xa mẹ từ nhỏ nên bé Nhi thường rất tự lập và tự giác trong việc dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình. Mỗi khi thấy mẹ buồn, Nhi sẽ suy nghĩ và chủ động lại xin lỗi mẹ, rồi sẽ không lặp lại hành động đó nữa.

Mỹ cũng quan trọng việc cho bé Nhi trải nghiệm thực tế nhiều hơn là việc học trên trường. Khi sắp xếp được thời gian, Mỹ sẽ đưa con đi du lịch khắp nơi để con được nhìn ngắm thế giới rộng lớn. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho con tham gia nhiều lớp năng khiếu như Piano, Dance Sport, Vẽ … Để trải nghiệm thử xem con thích gì, giỏi gì và có thể phát triển điều gì. Khi con được khám phá bản thân, tìm thấy chính mình thì con cũng sẽ dễ dàng hạnh phúc hơn.

Nhờ vậy, mà giờ đây, Nhi đã tìm được niềm đam mê của mình là Dance Sport và đã đạt được những giải thưởng đầu tiên ở lĩnh vực này. Tuy chỉ là giải thưởng ở những cuộc thi nhỏ, nhưng Mỹ nghĩ rằng quan trọng nhất là con đã thể hiện được bản lĩnh, tự tin của mình khi biểu diễn trước hàng trăm khán giả. Điều đó, với một đứa trẻ 10 tuổi mà nói đã là một thành công.

Làm mẹ đã vất vả, làm mẹ đơn thân còn vất vả hơn gấp trăm lần, trên hành trình này chị có bao giờ cảm thấy hối tiếc vì điều gì không?

Nếu nói về hành trình làm mẹ đơn thân của mình, có lẽ cho đến giờ phút này Mỹ chưa có điều gì phải hối tiếc. Bởi lẽ, làm mẹ đơn thân tuy vất vả nhưng nhờ có bé Nhi làm động lực, Mỹ đã trưởng thành và cuộc sống cũng trở nên tốt hơn rất nhiều. Mỹ biết, nhiều người thân hay bạn bè hay xót xa cho Mỹ vì không có một gia đình toàn vẹn như bao người khác, nhưng bản thân Mỹ thì luôn cảm thấy mình đã rất hạnh phúc và may mắn vì có bé Nhi.

Hajimari Mom thấy chị Hồng Mỹ dù đã trải nhiều chuyện buồn và vất vả như vậy nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan và vui vẻ, chị có bí quyết gì không?

Mỹ nghĩ không chỉ riêng Mỹ mà bất kể ai cũng có sự vất vả và mệt mỏi của riêng mình. Có thể có vài chuyện không mong muốn xảy ra trong cuộc sống là điều mình không quyết định được nhưng mình hoàn toàn có thể quyết định được thái độ để đối diện với nó. Trong giai đoạn mệt mỏi nhất, Mỹ vẫn tin rằng ở cuối chặng đường rồi sẽ có ánh sáng. Mỹ luôn tâm niệm năng lượng tích cực sẽ dẫn mình đến những kết quả tích cực nên khi gặp bất cứ điều gì trắc trở, Mỹ sẽ cho mình một khoảng thời gian nhất định để buồn và cho bản thân sống hết với cảm xúc đó, thường khoảng thời gian này sẽ tầm từ 1 ngày đến 3 ngày rồi sau đó Mỹ sẽ chấm dứt nỗi buồn hay thất vọng và chỉ nghĩ mọi thứ ở mặt tích cực của nó.

Chị Hồng Mỹ có gì muốn nhắn gửi đến các mẹ bỉm khác không?

Mỹ chỉ muốn nói với mọi người rằng: “Hãy tin rằng mọi thứ trên đời này xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Nên nếu không thay đổi được thì hãy đón nhận một cách tích cực nhất. Cứ tiếp tục đi và cố gắng hết sức rồi mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến, dẫu sao mình cũng chỉ có một lần để sống trên đời này thôi mà.” – Đó cũng là những điều Mỹ luôn tự an ủi mình mỗi khi gặp chuyện không vui trong cuộc sống. Mỹ thân chúc các mẹ bỉm luôn tích cực, vui vẻ và hạnh phúc trên chặng đường làm mẹ của mình.

Hajimari Mom cảm ơn chị Hồng Mỹ rất nhiều vì đã dành thời gian để cùng chia sẻ với độc giả về cuộc sống cũng như hành trình làm mẹ thật đáng nhớ của mình. Chúc chị Hồng Mỹ và bé Nhi luôn vui vẻ hạnh phúc trên chặng đường sắp tới của hai mẹ con. Riêng chị Hồng Mỹ sẽ còn thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình.

Bài Viết Liên Quan

follow me