Bố mẹ lăn tăn, Hajimari Mom giải đáp – Piano có thật sự tốt cho trẻ nhỏ ?
Việc học nhạc cụ, cụ thể là Piano được cho là rất tốt cho trẻ nhỏ nhưng nên cho trẻ học từ khi nào là tốt nhất? Các bé thường sẽ gặp phải khó khăn gì khi đến với bộ môn này ? Và bố mẹ có thể làm gì để hỗ trợ quá trình học cho con?… Rất nhiều câu hỏi thường được bố mẹ thắc mắc khi cân nhắc đầu tư cho con học bộ môn này. Vậy nên, để bố mẹ có thể hiểu hơn về môn học này, hôm nay Hajimari Mom đã có một buổi phỏng vấn trực tiếp với cô Hồng Phúc, hiện là hiệu trưởng trung tâm Farah Art Center, đã có kinh nghiệm giảng dạy Piano được 8 năm. Mời bố mẹ cùng lắng nghe chia sẻ của cô Phúc về vấn đề này nhé !!!!
Chào cô Phúc, cô Phúc có thể giới thiệu sơ về bản thân cũng như trung tâm Farah Art Center không?
Chào Hajimari Mom, mình tên là Đặng Hồng Phúc sinh năm 1996. Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Sài Gòn chuyên ngành Sư Phạm Âm Nhạc, mình đã công tác tại trường Việt Úc với vai trò là giáo viên âm nhạc và cho đến hiện tại Phúc đã gắn bó với nghề dạy Piano được 8 năm. Hiện tại song song với vai trò giáo viên tại Việt Úc, Phúc cũng là người sáng lập và điều hành của Farah Art Center.
Từ Farah có nguồn gốc từ Trung Đông, trong tiếng Ả Rập, Farah có nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc. Bản thân mình khi quyết định thành lập trung tâm Farah Art Center với niềm hy vọng mọi người nói chung và các bé nói riêng khi đến học tại Farah sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc thông qua việc học nhạc cụ cũng như mỹ thuật. Hiện tại Farah ngoài việc dạy các loại nhạc cụ như Piano, Guitar… Ở Farah còn có có các lớp học vẽ cho các bé. Hiện tại, Farah có 3 chi nhánh: 1 cơ sở ở Tiền Giang và 2 cơ sở ở Tp.HCM (quận 9 và quận 7).
Đối với Phúc, việc đảm bảo chất lượng giảng dạy chung của giáo viên ở Farah là điều tiên quyết nhất. Các học viên ở Farah Art Center sẽ phải tham gia kì thi đánh giá năng lực 3 tháng 1 lần để các giáo viên nắm được trình độ thực tế của các học viên qua đó xem xét điều chỉnh lại cách dạy của mình. Ngoài ra, các thầy cô cũng duy trì việc thường xuyên gửi video các bé thực hành đàn ở trong lớp để bố mẹ có thể nhìn thấy sự phát triển từng bước của các bé.
Đã ở trong nghề dạy Piano cho các bé lâu như vậy, cô Phúc có thể chia sẻ độ tuổi thích hợp nhất để các bé có thể học Piano là khi nào không ?
Theo kinh nghiệm của Phúc, đối với các môn nhạc cụ nói chung và Piano nói riêng, thì các bé từ 5 tuổi đến 8 tuổi là độ tuổi lý tưởng nhất để có thể bắt đầu các bộ môn này. Vì khi đó bé đã phát triển đầy đủ về mặt thể chất để có thể sử dụng các loại nhạc cụ một cách dễ dàng. Hơn nữa, ở độ tuổi này, các bé cũng đã bắt đầu có sự tập trung nhất định trong một khoảng thời gian để có thể chú ý nghe và làm theo sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, Phúc cũng đã gặp một vài trường hợp đặc biệt, đối với các bé có năng khiếu với bộ môn này thì 3 tuổi đến 4 tuổi cũng đã có thể bắt đầu.
Vậy các bé thường sẽ gặp khó khăn gì khi đến với bộ môn này ?
Đầu tiên về mặt thể chất, phím đàn Piano khá năng, các bé phải dùng lực của ngón tay khá nhiều để đàn, nên đối với các bé nhỏ thì sẽ hơi khó khăn ở thời gian đầu để có thể tạo ra âm thanh từ phím đàn. Tiếp theo là khác với đàn Organ, Piano sẽ sử dụng khá nhiều hợp âm khi các bé học đến một trình độ nhất định do đó yêu cầu của việc phải phối hợp nhuần nhuyễn những động tác khác nhau của hai tay cùng một lúc sẽ nhiều hơn nên việc luyện tập ban đầu cũng cần sự kiên nhẫn hơn một chút. Thường thì để nắm vững kiến thức nền, các bé sẽ mất khoảng 1 năm học tập cũng như tập luyện đều đặn.
Theo quan điểm của cô Phúc. các bé khi đến với Piano thì có cần năng khiếu gì không ? Và bố mẹ có cần làm gì để có thể hỗ trợ bé trong quá trình học không ?
Có thể nói năng khiếu là một điều kiện quan trọng để có thể theo đuổi bất cứ bộ môn nào chứ không phải riêng Piano. Nhưng năng khiếu không phải là tất cả. Đương nhiên, nếu có năng khiếu các bé sẽ học rất nhanh và vượt qua được những bài tập dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có năng khiếu thì không học được bộ môn này. Dù không có năng khiếu nhưng nếu các bé kiên nhẫn, có sự yêu thích nhất định, chịu khó luyện tập thì cũng sẽ có thể hoàn thành tốt môn học này. Còn về phía bố mẹ, Phúc nghĩ chỉ cần tạo cho bé một tâm lý vui vẻ, thoải mái khi tiếp xúc với nhạc cụ là đã hỗ trợ các bé rất nhiều rồi. Đừng áp đặt con học là phải làm được cái này hay cái kia mà hãy cỗ vũ, động viên bé cái gì chưa làm được hôm nay thì nếu có sự cố gắng luyện tập đều sẽ có thể trong tương lai. Đồng thời, tốt nhất là bố mẹ có thể tạo một khoảng thời gian luyện tập cố định trong ngày để bé hình thành thói quen luyện tập, sẽ rất tốt cho bộ môn Piano. Không cần quá nhiều, chỉ cần 10’~15′ mỗi ngày để bé dần hình thành thói quen một cách tự nhiên nhất.
Vậy về phía trung tậm, sự khó khăn của giáo viên thường hay gặp phải khi dạy các bé ở độ tuổi nhỏ như vậy là gì?
Thật ra, Piano là một bộ môn đòi hỏi sự kiên nhẫn khá cao. Để nắm vững được căn bản thì các bé sẽ phải theo đuổi 1 năm trở lên. Thì ở giai đoạn đó, sẽ có những lúc gặp những bài tập khó, các bé tập vài ba lần không được thì sẽ sinh ra tâm lý nản và muốn bỏ giữa chừng. Vì vậy, việc giáo viên có thể nắm bắt tâm lý và nghĩ ra được cách để duy trì được hứng thú học tập cho các bé là điều khiến Phúc cũng như các giáo viên khác rất trăn trở. Hơn nữa, các bé ở độ tuổi nhỏ thì thường thời gian tập trung rất ngắn, chỉ tầm 30 phút mỗi lần, vì vậy ở mỗi buổi học, ngoài tập trung vào luyện đàn, giáo viên sẽ phải có những hoạt động xen lẫn vui chơi khác để khiến các bé cảm thấy hứng khởi khi học, ví dụ như các bé sẽ được chơi các trò chơi thực hành đoán âm, đoán nốt hay các trò chơi liên quan đến cảm thụ âm nhạc … Nói chung là các giáo viên, ngoài chuyên môn của mình, còn phải khá tâm lý với các bé, đồng thời luôn luôn sáng tạo để thay đổi các hoạt động liên tục để khiến các bé thích thú hơn với việc học.
Theo cô Phúc, thì bộ môn Piano sẽ mang lại lợi ích gì đối với sự phát triển của các bé ?
Lợi ích về sự phát triển của trẻ khi chơi bộ môn này thì phải kể đến sự phát triển đồng đều của hai bán cầu não. Khi trẻ chơi Piano cùng một lúc hai tay sẽ phải hoạt động những động tác khác nhau khá nhiều, nên sẽ kích thích được việc phát triển 2 bên bán cầu não một cách tự nhiên nhất. Đồng thời, Piano là một bộ môn có thể rèn luyện tính kiên nhẫn cho bé vì quá trình tập Piano là một quá trình dài lâu và phải vượt qua rất nhiều bài tập khó. Thêm vào đó, việc bé biết chơi một bộ môn nhạc cụ sẽ giúp bé giải tỏa được nhiều cảm xúc đôi khi không diễn giải bằng lời được vì thế Piano thật sự là một môn học rất tốt cho trẻ không chỉ trẻ bình thường mà đặc biệt còn tốt cho một số trẻ có hành vi rối loạn ngôn ngữ hay trẻ bị tự kỉ…
Cô Phúc vừa nói đến trẻ tự kỉ hoặc trẻ có hành vi rối loạn ngôn ngữ, vậy trong quá trình nhiều năm đi dạy cô Phúc đã bao giờ gặp một trường hợp nào đặc biệt chưa ?
Trong số các học viên đã dạy, Phúc nhớ nhất 2 em cũng thuộc trường hợp khá đặc biệt. Một em thì Phúc đã đi theo em từ lúc 5 tuổi cho đến hiện tại là 10 tuổi, em rất có năng khiếu Piano nhưng cứ mỗi khi tập đến đoạn khó, đàn vài ba lần mà không được là em lại ngồi khóc. Khóc thì khóc nhưng đàn thì vẫn đàn nên những buổi tập của hai cô trò rất nhiều những buổi học vừa đàn vừa khóc. Do em không diễn tả được cảm xúc của mình bằng lời nói, hành động khóc thể hiện tâm trạng ấm ức của em khi không vượt qua được bài luyện tập khó khăn ấy. Tuy vậy, em tiến bộ rất nhanh và việc học đàn cũng giúp em rất nhiều trong việc cân bằng cảm xúc. Còn một trường hợp nữa là một em học sinh tự kỉ, em cực kì thích học đàn. Những ngày được học đàn thì tâm trạng em rất vui vẻ và ngược lại những ngày không được tiếp xúc với âm nhạc thì em trở nên dễ cáu bẳn và hay nổi nóng. Gặp những trường hợp như vậy làm Phúc tin rằng âm nhạc luôn có một sức mạnh chữa lành kì diệu.
Hajimari Mom cảm ơn cô Phúc rất nhiều vì những chia sẻ cực kì bổ ích. Chúc cô Phúc và Farah Art Center sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.