Cuộc sống vùng cao – Con đường đến trường của trẻ em vùng cao

Chuyên mục đặc biệt
18.10.2022

Vậy là 1 năm học mới đã lại bắt đầu. Các bạn học sinh khắp mọi miền tổ quốc nô nức đến trường. Mang theo bao hoài bão về 1 tương lai tươi sáng.

Tuy nhiên con đường đến trường không phải khi nào cũng bằng phẳng cho tất cả các bạn nhỏ. Vẫn còn 1 số vùng khó khăn. Để đến được trường các em đã phải vượt qua muôn vàn chông gai.

Hôm nay Hajimari Mom muốn chia sẻ với các bạn về cuộc sống của các bạn nhỏ vùng dân tộc thiểu số Mộc châu – Sơn la. Để các bạn có thể hiểu thêm về cuộc sống, học tập của các bạn nhỏ tại đây.

Các em vui vẻ chuẩn bị cho năm học mới

1. Lứa tuổi đến trường.

Cũng giống như bao vùng miền khác các em nhỏ tại Mộc châu cũng được vận động đến trường vào lúc 6 tuổi. Nhưng khác với trẻ em thành phố được bố mẹ chăm chút chu đáo từ những bộ đồng phục tươm tất sạch sẽ đến những dụng cụ học tập đầu tiên, đến trường còn có phương tiện đưa đón đầy đủ, thì không ít trẻ em vùng cao này còn cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, phải tự thân trèo đèo, lội suối, đi bộ một quãng đường xa xôi mới đến được trường để tìm con chữ. Nhưng dù có những gian nan, vất vả như thế các em học sinh vẫn rất hăng hái, háo hức cố gắng đến trường tham gia lớp học đầy đủ vào buổi học đầu tiên của năm học mới.

Các bạn nhỏ bắt đầu 1 kì học mới

2. Những khó khăn gặp phải trong quá trình học.

Những bạn đến tuổi đi học thì việc được ba mẹ mua cho sách vở, đồ dùng học tập để phục vụ cho việc học chắc có lẽ là 1 điều hiển nhiên, nhưng đối với 1 số bạn nhỏ vùng cao thì cái điều tưởng như bình thường đơn giản đó cũng trở thành 1 điều không dễ dàng gì, do có nhiều gia đình khó khăn, đến bữa cơm từng ngày còn chưa biết phải lo thế nào chứ đừng nói đến việc có thể mua những đồ dùng học tập cho con.

Có những bạn khó khăn đến mức ba mẹ không có tiền đóng học phải cho con em mình nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình.

Gương mặt hồn nhiên, ngây thơ của các e nhỏ người mông

Ngoài những khó khăn về kinh tế các em còn bị rào cản về ngôn ngữ. Do các em là người đồng bào có tiếng nói riêng, nhưng khi đi học các em phải học bằng ngôn ngữ phổ thông nên cũng có nhiều khó khăn trong việc tiếp thu.

Nhưng không vì những khó khăn đó mà các em lùi bước, các em vẫn cố gắng trên con đường đến trường, với gương mặt hồn nhiên vui tươi.

Không gì có thể ngăn các em tìm đến con chữ

3. Giờ ra chơi.

 “Tùng tùng tùng…”  Sau tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Bạn lớp trưởng đứng lên hô cho các bạn khác đứng lên chào cô, sau khi chào cô xong các bạn chạy ùa ra sân trường vui chơi, đùa nghịch.

Sân trường ngày trước chỉ là 1 nền đất, mưa thì bùn đất dính hết vào quần áo, nắng thì bụi mù mịt. Tuy nhiên hiện nay trường đã nhận được 1 số kinh phí để xây lại sân bằng xi măng, mặc dù sân trường vẫn còn chưa được đẹp nhưng các e nhỏ ở đây đã vô cùng vui mừng, chảy nhảy lon ton như những chú chim non.

Với các trò chơi dân gian như: đuổi bắt, cá sấu lên bờ, kéo co… Các em cười nói rất vô tư như không hề cảm thấy những khó khăn trong cuộc sống mà các em gặp phải.

Hình ảnh các bé vui chơi sau giờ học tại trường C.H – xã C.H

4. Bữa cơm trưa tại trường.

“Không, con không muốn ăn đâu”, ”Con muốn ăn cái kia cơ”, “Con muốn ăn gà rán, mẹ mua cho con đi”… Chắc hẳn sẽ không là 1 điều gì lạ lẫm với các bậc cha mẹ tại thành phố. Nhưng ở một nơi khác, cùng nằm trên lãnh thổ việt nam, nhưng không được thiên nhiên ưu đãi về địa hình. Muốn đi đến được những vùng như vậy, mọi người phải trải qua những cung đường gồ ghề, uốn lượn. Vì vậy việc mua bán trao đổi cũng khó khăn, dẫn tới việc họ phải “tự cung tự cấp”. Khiến cho cuộc sống ở nơi đây vẫn còn thiếu thốn trăm bề.

Bữa cơm trưa tại trường đa phần chỉ có cơm trắng, ít rau và nước lã. Sữa với các bạn nhỏ tại đây cũng là 1 điều gì đó xa xỉ.

Giờ cơm trưa tại trường

5. Sau giờ học.

Do đặc điểm địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế chưa phát triển, đời sống đồng bào còn khó khăn. Vì vậy sau khi học xong ở trường, nhiều em phải về nhà phụ giúp gia đình như: chăm em, làm nương rẫy, đi lấy củi…

Các bé phụ giúp các công việc nhỏ trong gia đình

Tuy khó khăn vất vả nhưng vẫn rất nhiều em cố gắng, vượt lên chính mình, đến tường học con chữ.

Khi hỏi các em là sau này các con lớn lên các con muốn làm gì? Các em đều trả lời rằng “ Con muốn làm chú bộ đội để bảo vệ quê hương “ ,“ Con muốn làm cô giáo giống cô của con “…

Những ước mơ thật giản dị nhưng thật đáng trân quý !!!

 “Nội dung được Hajimari Mom tham khảo từ cô giáo Đ.T.T.H hiện đang làm giáo viên tiểu học tại vùng sâu của huyện Mộc châu. Và 1 số hình ảnh từ anh D.H.A hiện cũng đang sinh sống và làm việc tại Mộc châu – Sơn la.”

Bài Viết Liên Quan

follow me