【YOU are the best MOM】- Giúp trẻ vượt qua nỗi sợ thất bại
“Trẻ không muốn thử thách bản thân vì sợ thất bại…” Con bạn có như vậy không?
Hiện nay, số lượng trẻ từ chối hay né tránh để làm một việc gì đó bởi vì con không giỏi hay con không thích ngày càng tăng lên. Chẳng hạn như trẻ thường nói rằng “Con không làm được, mẹ làm giúp con với”, “Con không giỏi môn này, nên con không tham gia đâu”. Tuy nhiên, việc làm quen với thất bại ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Bởi vì trẻ sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm từ những thất bại đó. Ngoài ra, khi bước vào xã hội, tâm lý chấp nhận thất bại, đối mặt với điều này là một trong những điều cần thiết để con có thể thành công hơn trong cuộc sống. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến mẹ một số mẹo để giúp trẻ tự tin hơn, rèn luyện tâm thế sẵn sàng chấp nhận thất bại.
Lo sợ thất bại – điều tất yếu trong tâm lý của con người
Việc lo sợ thất bại là điều vô cùng hiển nhiên trong suy nghĩ của chúng ta, đặc biệt với trẻ nhỏ, khi con chưa có nhiều va chạm trong cuộc sống. Giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ muốn vượt qua những khả năng của bản thân. Nhưng từ 3 tuổi trở đi, con dần ngại chấp nhận thử thách vì trẻ có thể dự đoán rằng “con có thể thất bại” hoặc “dù làm cũng sẽ không đem đến kết quả tốt”. Ngoài ra, ở khoảng 4-5 tuổi, khi con bắt đầu đi học mẫu giáo, môi trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn, con cũng thường so sánh mình với các bạn. Tuy nhiên, con vẫn chưa biết khả năng, thế mạnh của mình. Vì vậy trẻ thường tức giận hay “khóc lóc” nếu con không thể làm tốt. Từ đó, dẫn đến tâm lý lo sợ thất bại khi biết rằng đôi khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch.
Hãy thấu hiểu, sẻ chia cảm xúc của trẻ – Cùng con tìm cách cải thiện
Lo sợ thất bại không phải điều xấu. Đó còn là bằng chứng cho thấy con đang nỗ lực hết mình. Do đó, trước hết mẹ hãy đồng cảm với những cảm xúc của trẻ giúp con cảm thấy an tâm hơn. Mặc dù sẽ khó để các con có thể mở lòng cùng mẹ, hãy luôn bên cạnh, động viên con để trẻ dễ dàng tâm sự cùng mẹ.Tiếp theo, hãy cùng trẻ suy nghĩ về việc làm thế nào để có thể hoàn thành được điều đó. “Chúng ta hãy cùng nghĩ giải pháp nhé?” . Bằng cách lặp lại điều này, trẻ sẽ có thể suy nghĩ và thử thách bản thân từng chút một.