Cho Trẻ Học Gì ? – Cho bé học vẽ và những lợi ích bất ngờ

Chuyên mục đặc biệt
02.12.2022

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho bé học những môn năng khiếu như mỹ thuật, nhạc cụ… hay không? Nhưng các bạn biết không, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra được rằng: Hoạt động vẽ tranh là một hoạt động có thể giúp trẻ luyện tập phối hợp hoạt động của não trái và não phải.  Đồng thời vẽ tranh cũng giúp trẻ thể hiện góc nhìn của mình đối với thế giới xung quanh hay phản ánh những nội tâm, cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, môn học này còn mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời trong quá trình phát triển của trẻ.

 

Vậy những lợi ích cụ thể là gì ? Nên cho trẻ học vẽ từ bao nhiêu tuổi ? Và bố mẹ nên làm gì để nuôi dưỡng niềm yêu thích của con ?? Hôm nay, hãy cùng Hajimari Mom tìm hiểu rõ hơn về những điều thú vị xoay quanh môn học này nhé !!!

1. Khả năng vẽ tranh của trẻ theo lứa tuổi

Dựa theo quy luật phát triển tâm lý và thể chất, “khả năng vẽ tranh” của trẻ sẽ khác nhau theo lứa tuổi :

  • Từ 1 đến 2 tuổi : Trẻ đã có thể cầm bút và bắt đầu có những nét vẽ đầu tiên. Lúc này, trẻ chưa hề có khái niệm về vẽ nên những “bức tranh” trẻ tạo ra không có dạng hình ảnh cụ thể nào, đơn giản chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc dựa vào các giác quan theo ý thích .
  • Từ 2 đến 3 tuổi : Trẻ bắt đầu có ý thức về nét vẽ, ranh giới giữa tờ giấy, tấm bảng,… Trẻ cũng bắt đầu có thể vẽ những hình dạng phức tạp hơn như hình tròn xoáy nước …
  • Từ 3 đến 4 tuổi : Trẻ bắt đầu hiểu được khái niệm về “Vẽ Tranh”, biết mô tả lại nội dung của bức tranh với mọi người xung quanh, thậm chí là đặt tên cho bức vẽ của mình.
  • Từ 4 đến 5 tuổi : Trẻ thật sự quan tâm vào chi tiết bức tranh của mình. Những bức tranh của trẻ sẽ có bố cục, nội dung, khung cảnh. Khi vẽ, trẻ suy nghĩ về hình ảnh thể hiện trong bức tranh, đặc điểm về màu sắc… Ở giai đoạn này, trẻ có xu hướng vẽ những gì mà chúng quan tâm, yêu thích nhất.
  • Từ 6 tuổi trở đi : Thông qua việc vẽ tranh, trẻ biết cách bộc lộ cảm xúc của mình về cuộc sống, thiên nhiên hoặc những điều diễn ra xung quanh. Trẻ chăm chút cho bức tranh của mình nhiều hơn, cách thể hiện qua tranh cũng đa dạng, phong phú hơn cả về nội dung, chi tiết, bối cảnh, màu sắc chủ đạo,… Từ giai đoạn này trở đi, các tác phẩm của trẻ sẽ dần hoàn chỉnh theo thời gian

2. Lợi ích của việc học vẽ

  • Rèn luyện khả năng quan sát và ghi nhớ


Để vẽ một bức tranh, trẻ cần phải quan sát rất kĩ và nhiều lần hình dạng của đồ vật hay phong cảnh,… mà trẻ muốn vẽ. Từ đó, khả năng quan sát đa chiều, và ghi nhớ hình ảnh sẽ được luyện tập ngày qua ngày. Hơn nữa, đối với những bức tranh không có tranh mẫu, thì khả năng nhớ lại hình ảnh của trẻ sẽ phải phát huy tối đa. Trẻ phải tập nhớ những đặc điểm cụ thể, nổi bật của sự vật, sự việc muốn vẽ. Và từ đó, thói quen tiếp nhận thông tin và ghi nhớ hình ảnh sẽ được hình thành một cách vô thức và điều này sẽ giúp trí não trẻ được phát triển một cách tự nhiên và nhanh chóng.

  • Phát triển khả năng sáng tạo


Khi “sáng tác” ra những bức tranh của riêng mình, trẻ có thể “toàn quyền” quyết định về hình ảnh, màu sắc, bố cục cho sự vật, sự việc. Điều đó, sẽ vô thức thúc đẩy trẻ liên tục tưởng tượng, sáng tạo để thể hiện biểu đạt những hình ảnh đời thường mà trẻ đã nhìn thấy ghi nhận nhưng thông qua lăng kính của riêng mình. Điều đó sẽ giúp phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng ở trẻ.

  • Rèn luyện sự khéo léo
    Vẽ tranh không chỉ giúp trẻ phát huy khả năng về mặt tư duy,  còn là một phương pháp hiệu quả để trẻ học cách sử dụng đôi tay của mình một cách khéo léo thông qua việc tỉ mỉ vẽ những đường nét linh hoạt
  • Giúp trẻ bộc lộ cảm xúc, nội tâm


Người trưởng thành thường dùng ngôn từ để bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của mình, nhưng trẻ con đôi khi lại không thể như thế. Vì vậy, khi vẽ tranh trẻ hay có xu hướng “gửi gắm” cả tâm tư, mong muốn không thể nói ra với ai ở trong đó. Điều đó, cũng có thể giúp trẻ giải tỏa được cảm xúc của bản thân, cảm thấy vui vẻ hơn.

3. Những điều ba mẹ cần làm để hỗ trợ con

Tuy việc học vẽ có rất nhiều lơi ích, nhưng đương nhiên không phải trẻ em nào cũng thích vẽ. Nhưng nếu nhận ra con mình có niềm yêu thích đến bộ môn này thì bố mẹ nên làm gì để hỗ trợ cũng như nuôi dưỡng niềm yêu thích của con ? Hãy cùng Hajimari Mom tìm hiểu nhé

  • Tạo điều kiện môi trường cho trẻ


Theo đặc điểm lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên chuẩn bị các dụng cụ phù hợp như bảng vẽ hoặc tờ giấy vẽ khổ lớn, các đồ đi kèm như bút chì màu, chì sáp, sơn, phấn dầu… cho trẻ tự do phát huy sở thích của mình. Không cần quá quan tâm đến việc trẻ vẽ gì, hay cách cầm bút của trẻ có đúng hay không. Hãy để trẻ cảm nhận rằng việc vẽ tranh thật vui và thú vị.

  • Khuyến khích, cỗ vũ, nuôi dưỡng niềm yêu thích của trẻ


Đối với tác phẩm của trẻ, hãy cho trẻ tự do thỏa sức sáng tạo theo trí tưởng tượng của trẻ. Tránh áp đặt những nguyên tắc khuôn mẫu thường ngày vào việc vẽ tranh của trẻ như cánh cửa phải màu nâu, con thỏ phải màu trắng,… điều này sẽ vô tình giới hạn trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ.

  • Tạo cơ hội cho con cảm nhận, khám phá thế giới tự nhiên


Nếu được, bố mẹ hãy tạo điều kiện thường xuyên đưa con đi khám phá tiếp xúc với môi trường tự nhiên như núi, rừng , biển cả… Và dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con về những vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, hãy nghe con nói về những bức tranh để hiểu hơn về tâm tư của trẻ ví dụ vì sao con chó trong bức tranh của trẻ lại có màu xanh lá ? Hay vì sao đôi mắt con mèo lại to đến thế ? Bạn sẽ hiểu rõ hơn về tâm tư, cảm xúc của con mình.

4. Những địa điểm học vẽ 

Hiện nay, lớp Mỹ Thuật dành cho bé cũng khá phổ biến, bố mẹ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên các mạng xã hội. Nhưng để tiện hơn cho bố mẹ tham khảo, Hajimari Mom đã liệt kê sẵn một số trung tâm dạy vẽ cho các bé ở Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các bạn cùng tham khảo nhé !

Khu vực TP.HCM

Khu vực Hà Nội

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

follow me